Lợi nhuận của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong 3 năm gần đây do ảnh hưởng bởi nợ xấu tăng cao |
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, quý I/2016, Vietcombank đạt mức tăng trưởng rất khả quan. Cụ thể, tín dụng tăng 6,7%; nợ xấu giảm còn 1,76%; lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro đạt 3.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro là 2.300 tỷ đồng, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, mặc dù quý I/2016 thường là quý có tăng trưởng thấp nhất, song Vietcombank đã đạt 30% lợi nhuận cả năm. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Vietcombank đưa ra cho năm 2016 là 7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả thực hiện năm 2015; tín dụng tăng 17%; huy động vốn tăng 15%; khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%; tổng tài sản lên 765.438 tỷ đồng.
Tương tự, trong quý I, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) huy động được 163.666 tỷ đồng, tăng 3,91% so với cuối năm 2015; dư nợ cho vay là 137.647 tỷ đồng, tăng 4,73% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt trên 300 tỷ đồng.
Năm 2016, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 232.036 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm trước; vốn chủ sở hữu tăng 15,3%, lên 12.980 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 32,7% so với năm trước; cổ tức dự kiến 8,5%.
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), do giảm trích lập dự phòng xuống còn 239 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm trước, nên đã kéo lợi nhuận trước thuế của MB trong quý I/2016 lên 882 tỷ đồng, tăng 10,6%. Sau thuế, Ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận 706 tỷ đồng, tăng 13,8% so với kết quả quý I/2015. Tỷ lệ nợ xấu của MB tính đến ngày 31/3/2016 là 1,59%, giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2015…
Trong khi đó, tại không ít ngân hàng lớn, lợi nhuận đã giảm mạnh do phải trích dự phòng cao. Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trích lập dự phòng tăng đột biến trong quý I/2016 đã khiến lợi nhuận quý này giảm 10% so cùng kỳ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 vừa được BIDV công bố, tính đến ngày 31/3/2016, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 858.962 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm trước; cho vay khách hàng đạt 623.740 tỷ đồng, tăng 4,2%; huy động đạt 612.338 tỷ đồng, tăng 8,4%; thu nhập lãi thuần đạt gần 5.600 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro tăng đột biến, lên gần 2.000 tỷ đồng, gấp đôi quý I/2015, khiến BIDV chỉ còn hơn 2.077 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và sau thuế là 1.682 tỷ đồng, giảm gần 10%.
Hay tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chi phí dự phòng tăng đã “bào mòn” gần hết lợi nhuận quý I/2016. Lãi sau thuế của Eximbank chỉ đạt vỏn vẹn 24 tỷ đồng, tương đương gần 6% cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay của Ngân hàng giảm, trong khi tỷ lệ nợ xấu lại tăng cao. Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quý I/2016 của Eximbank đạt gần 922 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, chi phí hoạt động trong kỳ của Eximbank tăng gần 40%, ở mức 662 tỷ đồng, nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt gần 368 tỷ đồng, giảm gần 32% cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tăng đột biến, lên 337 tỷ đồng, đã làm tổng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng.
Phân tích hoạt động của các ngân hàng hiện nay, đại diện Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, năm nay sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ về lợi nhuận. Đối với nhóm ngân hàng niêm yết, VCBS đánh giá, MB, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), BIDV khó có chuyển biến lớn. Trong khi đó, những ngân hàng thương mại đã tích cực tái cơ cấu, chất lượng tài sản được quản trị chặt chẽ và khả năng sinh lời trên đà cải thiện, như VCB, sẽ có triển vọng tích cực.
TS. Lê Anh Tuấn, kinh tế gia trưởng, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong 3 năm gần đây do ảnh hưởng bởi nợ xấu tăng cao, phải tăng trích dự phòng. Trong khi đó, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận chủ yếu từ tín dụng, mà tăng trưởng tín dụng hiện chưa thể kỳ vọng tăng cao.
“Hiện tại, lợi nhuận của các ngân hàng đã phân hóa khá rõ nét. Ngay cả với một số ngân hàng hoạt động tốt, lợi nhuận cũng đã giảm mạnh. Tuy nhiên, điều này cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng đã thực chất hơn”, ông Tuấn nói thêm.