Phân phối hàng Việt “tắc” ở ngân hàng

(BĐT) - Các ngân hàng vẫn chưa thiết tha tham gia vào chương trình “Bán hàng trả chậm phục vụ công nhân khu chế xuất (KCX) - khu công nghiệp (KCN)” mà TP.HCM đang muốn thí điểm.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Kênh phân phối mới

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, mặc dù có gần 30 doanh nghiệp (DN) thuộc Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) đã sẵn sàng tham gia cung ứng hàng cho chương trình này, thế nhưng từ khi có chủ trương vào tháng 6/2015 đến nay vẫn đang “tắc” do sự thiếu sự hợp tác từ phía các ngân hàng.

Trong khi, nếu được triển khai thì hàng tiêu dùng Việt sẽ dễ dàng tiêu thụ tại 1.137 DN ở các KCX - KCN tại TP.HCM với tổng số 27.885 công nhân tham gia. Nếu thành công sẽ hình thành kênh phân phối mới cho hàng Việt, có ý nghĩa về mặt dân sinh. Nó sẽ giúp DN Việt mở rộng thị trường, tạo kênh phân phối vững chắc để cạnh tranh với DN bán lẻ ngoại. Kênh phân phối này cũng không mang tính độc quyền mà cần nhiều nhà cung cấp nội địa, để cùng giảm giá tốt cho công nhân.

Đa số công nhân sống tằn tiện, chỉ mua thực phẩm, hàng tiêu dùng giá rẻ tại các chợ, nên nguy cơ sử dụng hàng kém chất lượng, không an toàn. Trong khi đó, DN Việt có hàng hóa đảm bảo chất lượng, muốn bán hàng trả chậm cho công nhân với giá tốt nhất lại chưa có cách tiếp cận"
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó giám đốc ITPC, phía FFA đã thành lập pháp nhân đại diện là Công ty FFC để làm đầu mối tổ chức Chương trình bán hàng trả chậm. Giữa IPTC và FFA thực hiện ký kết các thoả thuận hợp tác hỗ trợ với các nhà máy nơi Chương trình triển khai.

ITPC cũng làm cầu nối giới thiệu cho Công ty FFC với các ngân hàng có liên quan đến việc trả lương cho công nhân để thực hiện việc thu hộ số tiền mua chịu của công nhân từ đơn vị làm việc.

Tuy nhiên, thời gian qua do vướng sự hợp tác từ phía một số ngân hàng khi không thu hộ số tiền mua trả chậm, nên dù FFC đã chính thức hoạt động từ tháng 4/2015 nhưng việc bán theo phương thức trả chậm vẫn bế tắc. Trong khi đó, FFC đã làm việc với các nhà cung cấp hàng hoá để cung cấp hàng hoá có chất lượng cho Chương trình với giá cả ưu đãi (mức chiết khấu dành cho Chương trình từ 15% đến 20%) và xây dựng danh mục hàng hoá đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động (gồm nông sản, thực phẩm chế biến, nước chấm, nước uống, gia vị, thực phẩm khác, hàng hoá tiêu dùng…).

Ngân hàng cần hỗ trợ

Ông Hồ Xuân Lâm chia sẻ: “Đa số công nhân sống tằn tiện, chỉ mua thực phẩm, hàng tiêu dùng giá rẻ tại các chợ, nên nguy cơ sử dụng hàng kém chất lượng, không an toàn. Trong khi đó, DN Việt có hàng hóa đảm bảo chất lượng, muốn bán hàng trả chậm cho công nhân với giá tốt nhất lại chưa có cách tiếp cận”.

Thế nhưng, kênh kết nối cung cầu đang tắc ở khâu thanh, quyết toán từ phía ngân hàng (đã có trả lương qua thẻ ATM cho các DN tham gia Chương trình) do chưa chịu cấp hạn mức tín dụng với lãi suất ưu đãi 1 - 2% cho công nhân tại các DN tham gia Chương trình.

Lãnh đạo ITPC cho biết, nhiều tháng qua có làm việc với một số ngân hàng có liên quan về Chương trình (chẳng hạn như Vietcombank trả lương qua thẻ cho các công nhân tại KCN Vĩnh Lộc) nhưng vẫn chưa có kết quả, thậm chí rơi vào quên lãng. Phía ITPC đang mong mỏi các ngân hàng đã có trả lương qua thẻ ATM cho DN tại các KCX - KCN nên có sự hợp tác để cùng tham gia vào Chương trình, đưa ra hình thức hỗ trợ cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi cho công nhân có thu nhập thấp để giúp họ được tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá rẻ.

Tin cùng chuyên mục