Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ cuốn tất cả doanh nghiệp vào một vòng xoáy cạnh tranh mạnh mẽ để rồi lập lại một trật tự mới. Ảnh: Lê Tiên |
Trong số báo chuyên đề “DN tự cường, quốc gia thịnh vượng” này, Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu tới độc giả ý kiến của các chuyên gia và DN xoay quanh vấn đề xây dựng và phát triển nội lực của DN.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Thế giới đang trong giai đoạn đổi thay mạnh mẽ với tác động của hội nhập, liên kết kinh tế sâu rộng; sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)… Tất cả những yếu tố này đều liên quan đến một Việt Nam đang chuyển mình cùng khát vọng phát triển nhanh và bền vững. Nếu xác định đây là xu thế thì về mặt chiến lược DN phải cải tổ chính mình để nâng cao sức cạnh tranh, hạn chế rủi ro từ những rung lắc của thị trường.
Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập cũng như tận dụng cơ hội của CMCN 4.0, các DN không có lựa chọn nào khác là phải tăng cường nội lực bằng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị… Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế có nhiều đổi thay thì DN càng cần phải nâng cao vai trò của người đứng đầu. Tuy nhiên, vai trò của người đứng đầu chỉ thực sự phát huy khi họ có thông tin, có hiểu biết, có quyết tâm và khát vọng vươn lên. Do đó, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ này để họ có những định hướng, chuẩn bị tốt hơn trước những biến động của thị trường.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC
CMCN 4.0 sẽ cuốn tất cả DN vào một vòng xoáy cạnh tranh mạnh mẽ để rồi lập lại một trật tự mới. Rất có thể, vòng xoáy CMCN 4.0 sẽ khiến cho nhiều DN tên tuổi lớn bị chìm nghỉm, ngược lại, sẽ có những công ty công nghệ trẻ, sáng tạo, vươn lên thành tập đoàn hùng mạnh chiếm giữ vị trí hàng đầu… Tất cả phụ thuộc vào chiến lược, sự đầu tư và năng lực của đội ngũ chuyên gia, đội ngũ lãnh đạo của DN đó.
Hiện nay, các DN lớn hàng đầu trên thế giới đều có chiến lược xây dựng hệ sinh thái khai thác và chia sẻ dữ liệu của họ để duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh. Tính kết nối của dữ liệu là chìa khóa mấu chốt của công cuộc kinh tế hóa dữ liệu này và hệ sinh thái được xem là một yếu tố sống còn đối với bất cứ DN công nghệ nào. Người ta thường nói: “Có rất nhiều con đường để bạn chọn lựa, nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Và trong bối cảnh hiện nay, khi mà mức độ cạnh tranh đang ngày càng trở nên khốc liệt, các DN nếu muốn mạnh lên, tiến xa hơn trên con đường phát triển của mình thì phải biết đi cùng nhau, hỗ trợ và tận dụng các thế mạnh của nhau để tạo nên một tầm nhìn phát triển mới, duy trì và phát triển được lợi thế cạnh tranh của mình trong bối cảnh mới.
Ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Bắc thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Để phát huy được nội lực DN thì bản thân DN phải có nội lực đã. DN phải xác định, phân tích và đánh giá được những điểm mạnh, điểm yếu riêng của mình để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Đối với DN quy mô nhỏ và vừa (NVV), đa phần bị hạn chế về quy mô vốn, trình độ khoa học kỹ thuật, chất lượng nhân lực nên việc DN tự mình phát triển chiến lược kinh doanh trong một thời gian ngắn là rất khó. Trước mắt, để tạo đà và phát huy được nội lực thì DNNVV nên tập trung vào các thế mạnh của mình, lựa chọn những phân khúc thị trường mà mình có lợi thế cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị lớn để học hỏi và tích lũy năng lực, kinh nghiệm, phát triển từng bước. Với DNNVV, nếu tự thân lập thân, DN sẽ khó đi xa được, nhưng nếu họ biết cách liên kết với nhau, hỗ trợ nhau phát huy và tận dụng được nội lực thì họ sẽ mạnh hơn, điểm mạnh của từng DN sẽ được phát huy. Mặt khác, khi tham gia vào sân chơi của các DN lớn thông qua các khâu mắt xích của quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm, chuỗi giá trị, các DNNVV buộc phải tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, họ sẽ học được cách sản xuất, hoạt động ở quy mô lớn hơn, quy củ hơn, khoa học hơn để từng bước phát triển và nâng cao năng lực, nội lực của mình.
Ông Mai Anh Đồng, Tổng giám đốc Công ty CP 471
Rất nhiều DN hiện vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược phát triển DN. Sức cạnh tranh của một DN có thể được nâng cao một cách nhanh chóng nếu như DN có một chiến lược phát triển rõ ràng và có những mục tiêu cụ thể để đạt tới. Một trong những sai lầm của DN là cho rằng chỉ có các DN lớn mới cần chiến lược phát triển. Thực ra, bất kỳ DN nào cũng cần phải xác định được tầm nhìn cho mình với các mục tiêu phát triển cụ thể, chỉ có vậy, DN mới có khả năng tồn tại trên thị trường trong một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Để xây dựng chiến lược kinh doanh của mình, chúng tôi đã tiến hành phân tích môi trường kinh doanh và hệ thống thông tin quản lý, xác định chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu riêng của mình nhằm nhận diện các cơ hội và nguy cơ, cũng như các ưu, nhược điểm của Công ty. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã hoạch định cho mình các mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
Và để có thể thúc đẩy quá trình phát triển mạnh mẽ hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách nhanh chóng, bền vững, Công ty chúng tôi cũng luôn chú trọng ứng dụng các thành tựu khoa học mới, hiện đại, đầu tư trang thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất thi công đồng bộ, tiên tiến. Cùng với đó là cập nhật các phần mềm mới để đẩy nhanh tiến độ công trình, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của công trình sử dụng, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu riêng của Công ty.
Ông Lê Khánh Mạnh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng DELCO
Trong bối cảnh đất nước hội nhập mạnh mẽ cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng số, muốn tồn tại và phát triển thì mỗi DN phải xác định con đường sống còn của mình. Đấy chính là nội lực của DN. Theo đó, DN phải có chiến lược kinh doanh phù hợp để thích ứng, quản trị rủi ro trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, của khoa học và công nghệ. Muốn vậy, DN phải đầu tư thời gian để nghiên cứu, lựa chọn trước mỗi sự thay đổi đó nhằm tránh được các cú sốc đáng tiếc.
Cùng với đó, với sự thay đổi nhanh về khoa học công nghệ, hội nhập… như hiện nay, để DN phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo từ đó gia tăng doanh thu, lợi nhuận và phát triển thương hiệu thì vấn đề nhân lực càng trở nên quan trọng. Vì vậy, DN nào cũng phải xây dựng cho mình một đội ngũ nhân lực chất lượng, phục vụ mục tiêu mình hướng tới.
Bên cạnh đó, để DN thực sự phát huy nội lực thì bản thân các chính sách phải cơ bản ổn định, tránh việc thay đổi quá nhanh, quá nhiều mà DN không thể tiên liệu được. Đồng thời, các rào cản trong kinh doanh không cần thiết phải được loại bỏ để các DN yên tâm sản xuất, kinh doanh, phát huy khả năng sáng tạo.
Ông Lê Văn Thụ, Giám đốc Công ty Quản lý và Đầu tư Thông Minh
Kinh doanh và đầu tư liên quan chủ yếu đến tư duy và vận dụng tốt tư duy ấy để phối kết hợp được các nguồn lực đầu vào. Một trong các vấn đề hiện nay mà các DN Việt Nam đang gặp phải là thiếu vốn và khó tiếp cận được nguồn vốn. Tuy nhiên, thực chất là các dự án của DN chưa đánh trúng “khẩu vị” của nhà đầu tư.
Các chủ DN phải xây dựng dự án cho mình và kêu gọi nguồn vốn phát triển phải đánh trúng vào sở thích, mong muốn của nhà đầu tư. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, DN cần thỏa mãn được 5 yếu tố để kêu gọi được nguồn vốn.
Một là, thời điểm đầu tư.
Hai là, tư duy và kinh nghiệm kỹ năng của người đứng đầu và đội ngũ quản trị, lao động của DN nếu có nhiều kỹ năng tốt thì sẽ là lợi thế.
Ba là, DN phải có ý tưởng sản phẩm tốt, có khả năng phát triển và mở rộng tối đa, thậm chí phải vươn tầm khu vực và thế giới. Đặc biệt, ý tưởng của sản phẩm vừa tốt, vừa có lợi thế cạnh tranh thì sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Bốn là, yếu tố công nghệ cần được tích hợp vào Dự án bởi một phần là xu thế, một phần sẽ là giá trị gia tăng của sản phẩm khi cạnh tranh trên thị trường.
Năm là vấn đề dòng tiền trong kinh doanh. Kể cả trong thị trường nhỏ, trung bình hay lớn cỡ nào thì mong muốn của nhà đầu tư là phải có lãi. Do đó, tùy theo từng thời kỳ rót vốn, nhà đầu tư phải có được lãi nếu sản phẩm của DN đã được đi vào thị trường.
DN phải hiểu và nắm rõ được những yếu tố này để xây dựng DN, xây dựng dự án có khả năng thu hút vốn đầu tư và tạo được lợi thế cạnh tranh của chính DN trong thị trường vốn.
Ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng
Nhà thầu xây dựng Việt Nam hiện có thể tự hào vì đã đủ năng lực thi công nhiều công trình đòi hỏi trình độ quản lý và áp dụng khoa học công nghệ cao, sánh tầm quốc tế. Song, đó không phải là mặt bằng chung của tất cả các DN, mà chỉ là số ít các DN dẫn đầu. Nếu chỉ tính riêng các nước trong khu vực Đông Nam Á thì trình độ lao động của DN xây dựng Việt Nam được đánh giá là không hề thua kém.
Tuy nhiên, một trong những hạn chế của DN xây dựng Việt Nam là ở việc cập nhật các công nghệ mới, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân chưa được tốt. CMCN 4.0 hiện đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và tác động không loại trừ ngành kinh tế nào. Do đó, DN xây dựng buộc phải đứng trước thách thức nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ xây dựng để theo kịp sự thay đổi ấy.
Thực tế, vấn đề đào tạo nghề cho công nhân xây dựng vẫn là một bài toán khó của ngành. Bởi, trên toàn quốc hiện có rất nhiều trường đào tạo kỹ sư xây dựng nhưng lại rất ít trường đào tạo công nhân lành nghề. Hơn nữa, với việc các DN xây dựng Việt Nam vươn tầm khu vực, quốc tế cũng đòi hỏi đội ngũ công nhân, cán bộ, kỹ sư ngành xây dựng phải gạt bỏ được rào cản về ngôn ngữ. Trong khi vấn đề đào tạo ngoại ngữ hiện chủ yếu vẫn là tự đào tạo tại các DN chứ chưa có trường lớp bài bản.
Do đó, thời gian tới, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể cho ngành xây dựng để thu nhận được những công nghệ xây dựng tiên tiến nhất cùng với việc nâng cao đội ngũ lao động để DN xây dựng có thể vươn xa hơn khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
Nội lực của mỗi DN chính là con người và con người chính là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của mỗi DN. Tại Việt Nam, nền tảng con người cơ bản rất tốt, vấn đề ở chỗ làm sao công tác đào tạo đội ngũ này phát triển tốt hơn nữa để giúp DN thực sự bứt phá.
Các DN Việt Nam cơ bản năng động, học hỏi nhanh. Dù vậy, với tốc độ hội nhập kinh tế và sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ như hiện nay thì yếu tố con người, nhất là đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong mỗi DN càng trở nên quan trọng với DN.
Với quan điểm này, hoạt động kinh doanh của Phú Thái đang tăng trưởng đầu tư trên nhiều lĩnh vực, chúng tôi phát triển dựa trên nền tảng con người. Chính điều này mà sự phát triển cũng như chiến lược kinh doanh của DN rất minh bạch, rõ ràng, chuyên nghiệp. Việc quản lý DN không lệ thuộc vào một người nào đó, một mối quan hệ của một người nào đó, mà dựa trên rất nhiều nhân lực chủ chốt. Nếu DN mà chỉ phụ thuộc vào một người theo kiểu quản trị “con voi đứng trên cái tăm” thì rất nguy hiểm. Đây cũng là điều mà chúng tôi ý thức được qua nhiều lần làm việc với các đối tác nước ngoài. Và chính cách quản trị này mà Phú Thái luôn được nhà đầu tư ngoại quốc quan tâm và đánh giá cao.