So với đầu năm 2017, khoản vay ngắn hạn của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã tăng 44%, tương đương hơn 1.200 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, ngay sau khi công bố báo cáo này (ngày 30/10/2017), cổ phiếu HBC đã giảm sàn với dư bán sàn khối lượng lớn. Chỉ trong 5 phiên giao dịch trở lại đây (27/10 - 2/11), cổ phiếu HBC đã "bốc hơi" 18% giá trị.
Sự tương phản giữa doanh thu và dòng tiền
Báo cáo tài chính quý III/2017 cho thấy, doanh thu của Hòa Bình đang tăng mạnh, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này cũng đang có tín hiệu cải thiện. Chỉ riêng trong quý III/2017, Hòa Bình đạt mức doanh thu 4.203 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ 2016 và tăng 12,7% so với quý trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 238 tỷ đồng, tăng 32,1% so với cùng kỳ 2016 và tăng 19,5% so với quý trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt gần 11.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 616 tỷ đồng, tăng tương ứng 56% và 93% so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2017, Hòa Bình đặt kế hoạch 16.000 tỷ đồng doanh thu và 828 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, 9 tháng đầu năm Hòa Bình đã hoàn thành 68,5% kế hoạch doanh thu và 74,4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tuy nhiên, dòng tiền của Hòa Bình lại mang màu sắc tương phản với kết quả kinh doanh do cách ghi nhận doanh thu. Theo đó, doanh thu tăng kéo theo khoản phải thu tăng mạnh. Tại thời điểm cuối quý III/2017, Hòa Bình có 6.835 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Trong khi đó, nợ phải trả do chiếm dụng vốn của nhà cung cấp lại tăng không tương ứng làm cho lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Hòa Bình âm tới 1.282 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền cộng thêm khoản tiền gửi ngắn hạn ở ngân hàng của Hòa Bình tại thời điểm 30/9/2017 là 1.355 tỷ đồng, giảm 23% so với thời điểm đầu năm.
Việc ước tính doanh thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng khiến cho doanh thu của Hòa Bình tăng mạnh nhưng lại kéo theo rủi ro tăng nợ khó đòi. Hơn nữa, tăng khoản nợ phải thu sẽ tạo áp lực lên vốn lưu động ròng của Hòa Bình. Vì Công ty chưa nhận được khoản thanh toán cho doanh thu ước tính, nên sẽ phải sử dụng các nguồn tài chính khác để bù đắp cho các thiếu hụt tiền mặt trong vòng quay vốn lưu động.
Rủi ro liên quan đến lãi suất
Để tài trợ cho tài sản lưu động, Hòa Bình đã tận dụng lợi thế mua trả chậm từ các nhà cung cấp và vay nợ tài chính, thể hiện rõ ở các khoản phải trả và nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này khó có thể trì hoãn thanh toán cho nhà cung cấp khiến vay nợ ngân hàng trở thành phương án duy nhất để huy động vốn ngắn hạn.
So với đầu năm 2017, khoản vay ngắn hạn của Hòa Bình đã tăng 44%, tương đương hơn 1.200 tỷ đồng và đạt mức kỷ lục 3.925 tỷ đồng. Điều này cho thấy, vốn lưu động của Hòa Bình đang phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ngân hàng. Do đó, Hòa Bình phải chịu gánh nặng chi trả lãi vay và chi phí lãi vay đang tăng theo từng quý do nợ vay liên tục tăng.
Nếu Hòa Bình khó trì hoãn các khoản nợ nhà cung cấp và tiếp tục phụ thuộc vào vay nợ ngắn hạn thì rủi ro về lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của Doanh nghiệp này trong thời gian tới.