Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc cho biết, quá trình xây dựng Nghị định 31/2022/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ lãi suất đã được lường trước nhiều vướng mắc có thể xảy ra nên đã quy định rất cụ thể, chi tiết để triển khai thuận lợi.
Đây là thời điểm chính thức triển khai chương trình này sau khi đã đủ cơ sở pháp lý. Các tổ chức tín dụng đã có sự chuẩn bị từ trước khi Nghị định 31 được ban hành, theo đó, họ đang thực hiện các hướng dẫn nội bộ, hướng dẫn kỹ thuật để đẩy nhanh hỗ trợ các doanh nghiệp, các đối tượng theo quy định.
Nghị định 31 đã giải quyết căn cơ, có quy định rõ ràng, thể hiện trách nhiệm rất cao của ngành ngân hàng với quyết tâm thực hiện đúng đối tượng, đúng quy định, minh bạch, rõ ràng và không để trục lợi chính sách.
Nghị định cũng quy định đầy đủ và rõ ràng trách nhiệm của các cấp liên quan, kể các các địa phương trong việc xử lý vi phạm về lạm dụng chính sách, nếu không đúng đối tượng ưu đãi thì phải thu hồi nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước được thực hiện có hiệu quả.
Đồng thời, trong quá trình triển khai sẽ có sự quản lý, thanh tra giám sát của NHNN, các ngành chức năng, Kiểm toán nhà nước.
Về việc các ngân hàng đề xuất nới room tín dụng, theo Phó Thống đốc, từ đầu năm, NHNN đã xác định tín dụng là một trong những kênh quan trọng để cung ứng vốn cho nền kinh tế, khẩn trương hỗ trợ các đối tượng bị tác động nhiều nhất.
NHNN đã chỉ đạo tập trung và mở rộng tín dụng vào những lĩnh vực trọng yếu, cần thiết để khôi phục nhanh. Đến nay, mức tăng trưởng tín dụng của các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp và nông thôn, du lịch dịch vụ tăng mạnh lần lượt ở mức 3,2 lần và 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, tất nhiên sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng, khối lượng tín dụng cần cung ứng thêm cho nền kinh tế sẽ nhiều hơn. NHNN sẽ nghiên cứu và tính toán để có khối lượng tín dụng bổ sung nền kinh tế phù hợp, đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế đồng thời giúp gói 2% có đủ dư địa tín dụng thực hiện nhanh và khẩn trương nhất.
Đồng thời, luôn nhất quán nguyên tắc điều hành tín dụng là giải pháp thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.
“Tăng room tín dụng là việc không dễ dàng. Tăng nóng thì kiểm soát lạm phát khó, thắt tín dụng thì khó cho tăng trưởng kinh tế, do đó, mức độ tăng trưởng tín dụng phải giải quyết thỏa đáng giữa các mục tiêu này. Trong bối cảnh rủi ro lạm phát hiện hữu, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tín dụng nói riêng đòi hỏi phải tính toán rất nhiều, rất đau đầu”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành ngân hàng tiếp tục coi hoạt động tín dụng là nhiệm vụ quan trọng để khôi phục kinh tế, làm sao tăng trưởng tín dụng đảm bảo kiểm soát lạm phát vĩ mô, cùng chất lượng và hiệu quả tín dụng. Đồng thời, không vì triển khai hỗ trợ lãi suất mà sao nhãng những nhiệm vụ khác.
NHNN quán triệt đến các tổ chức tín dụng là tiếp tục kiểm soát chất lượng tín dụng, không hạ chuẩn vay. NHNN và các hệ thống ngân hàng chưa bao giờ ngơi nghỉ kiểm soát tín dụng.
Dù các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất không hưởng quyền lợi trực tiếp, thậm chí còn phải bỏ thêm chi phí nhưng đây là việc cần làm để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kinh tế sớm hồi phục.
“Doanh nghiệp là đối tác, bạn hàng của ngân hàng, do đó, nếu doanh nghiệp hoạt động tốt thì ngân hàng cũng dễ thở hơn. Kinh tế phục hồi tốt thì nợ xấu được kiềm chế, ngân hàng đỡ vất vả. Đề nghị các tổ chức tín dụng khẩn trương tổ chức và thực hiện quyết liệt từ hôm nay. Bên cạnh đó, cần triển khai đúng quy định, đúng đối tượng, công khai và minh bạch tránh trục lợi từ khách hàng để tránh mất mát về tiền bạc, con người và niềm tin”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.