Phục Hưng Holdings kỳ vọng cải thiện hiệu quả kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong các thành viên Liên danh Vietur - nhà thầu duy nhất vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng xây nhà ga hành khách sân bay Long Thành, bên cạnh những cái tên như Vinaconex, Ricons, Hancorp…, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings là doanh nghiệp đa ngành, tham gia lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Tuy nhiên, gánh nặng nợ vay của Phục Hưng Holdings khá lớn, cơ hội cải thiện được kỳ vọng ở việc tham gia gói thầu “khủng” sắp tới.
6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings đạt hơn 4,58 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 19,4 tỷ đồng nửa đầu năm 2022. Ảnh: NC st
6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings đạt hơn 4,58 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 19,4 tỷ đồng nửa đầu năm 2022. Ảnh: NC st

“Kiềng ba chân” trong kinh doanh

Phục Hưng Holdings được thành lập năm 2001, hoạt động trong 3 mảng kinh doanh chính gồm xây dựng dân dụng và công nghiệp, bất động sản, thủy điện và năng lượng tái tạo.

Trong lĩnh vực bất động sản, một dự án mang tính biểu tượng của Công ty là tổ hợp Florence Tower tọa lạc tại số 28, lô X3, đường Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngoài ra, Phục Hưng Holdings trực tiếp hoặc thông qua các công ty thành viên đang triển khai và hợp tác thực hiện 10 dự án bất động sản có quy mô từ 7 - 72 ha trải dài từ các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình tới Nghệ An.

Trong lĩnh vực năng lượng, Phục Hưng Holdings đang sở hữu Nhà máy Thủy điện Đắk Sor 2, công suất 7,5 MW và đang triển khai đầu tư Nhà máy Thủy điện Nậm Núa 2 (công suất

7,5 MW).

Trong lĩnh vực xây dựng, Phục Hưng Holdings vừa ký kết hợp đồng Gói thầu Thi công các công trình thấp tầng, khách sạn, tháp vọng cảnh và hạ tầng thuộc Dự án Khu đô thị cửa ngõ Cát Tiến, Khu kinh tế Nhơn Hội (Imperial Oasis Quy Nhơn) trị giá gần 900 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến 28 tháng.

Gần đây, Phục Hưng Holdings còn được lựa chọn thực hiện nhiều gói thầu như: Gói thầu Thi công kết cấu thân, xây trát ngoài nhà - khu nhà thấp tầng thuộc Dự án Tổ hợp công trình căn hộ, văn phòng và công cộng tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (71 tỷ đồng); Khách sạn Shilla Hotel thuộc Dự án Starlake Hà Nội (203 tỷ đồng), Gói thầu Cơ điện thuộc Dự án Khách sạn Từ Hoa công chúa, quận Tây Hồ, Hà Nội (91 tỷ đồng); Gói thầu Cải tạo, sửa chữa tòa nhà văn phòng 24 Tràng Tiền, Hà Nội (34 tỷ đồng)…

Ngoài các gói thầu tư nhân, tháng 7/2023, Phục Hưng Holdings liên danh cùng 4 nhà thầu khác trúng Gói thầu 09 Thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu ATCC/HCM với giá hơn 316,6 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 450 ngày. Bên cạnh đó, Công ty đang thi công Gói thầu số 17 Cung cấp, lắp đặt thiết bị và nội thất (trừ thiết bị cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, điện nhẹ, thông tin liên lạc) thuộc Dự án Nhà khách phía Nam của Tổng cục Hậu cần tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa quy mô gần 97 tỷ đồng (liên danh trúng thầu tháng 2/2023).

Nợ vay gia tăng

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Phục Hưng Holdings ghi nhận 737 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4,58 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 19,4 tỷ đồng nửa đầu năm 2022. Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh là chi phí lãi vay tăng 37%, từ 23,3 tỷ lên 32 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15,8% lên 27 tỷ đồng.

Ngày 1/8/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam công bố nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật Gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đó là liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Ngoài ra, Liên danh còn bao gồm 9 thành viên khác: Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty CP Kết cấu thép ATAD, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Hawee Cơ điện, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp).

Áp lực nợ vay của Phục Hưng Holdings cũng thể hiện rõ trong cơ cấu tài chính của doanh nghiệp này. Tính đến cuối quý II/2023, tổng nợ vay của Công ty ở mức 1.317,2 tỷ đồng (gồm 1.174 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 143,2 tỷ đồng nợ dài hạn), tăng 22,6% so với thời điểm đầu năm (tương ứng tăng 243,2 tỷ đồng), chiếm 46,2% tổng tài sản. Tổng nợ phải trả của Phục Hưng Holdings là 2.182 tỷ đồng, chiếm 76,6% tổng tài sản. Việc lệ thuộc vào vốn vay phần nào do gia tăng nợ phải thu của khách hàng.

Cụ thể, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của Phục Hưng Holdings tính đến 30/6/2023 ghi nhận hơn 1.502 tỷ đồng (tăng thêm 192 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), chiếm 53% tổng tài sản, trong đó, hơn 1.108 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn của khách hàng. Các công ty đang chiếm dụng vốn nhiều nhất của Phục Hưng Holdings có thể kể đến: Công ty CP HBI hơn 94 tỷ đồng (đầu năm 2023 ở mức hơn 36 tỷ đồng); Công ty CP Xây dựng và Thương mại Pros hơn 77 tỷ đồng; Gamuda Land Việt Nam hơn 27 tỷ đồng… Gia tăng nợ phải thu cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Phục Hưng Holdings âm hơn 271,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Bối cảnh kinh tế khó khăn đang khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có Phục Hưng Holdings, gia tăng rủi ro về nguồn việc, chi phí, nợ vay và thu hồi công nợ. Nếu nhận được nguồn việc từ gói thầu “khủng” thuộc Dự án sân bay Long Thành, doanh nghiệp này sẽ có cơ hội cải thiện kết quả kinh doanh cũng như dòng tiền.

Tin cùng chuyên mục