Dự án Diamond PVC-IC dự kiến là nguồn thu chính của PVC-IC trong thời gian tới |
Trong khi đó, kiểm toán độc lập đã đưa ra một loạt ý kiến cần lưu ý tại báo cáo tài chính soát xét bán niên của PVC-IC.
Lỗ quý thứ 3 liên tiếp
PVC-IC là đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp trong và ngoài ngành dầu khí; đầu tư, xây lắp các công trình chuyên ngành dầu khí; xây dựng các công trình hạ tầng, cầu cảng; đầu tư kinh doanh địa ốc, hạ tầng phụ trợ.
Theo kế hoạch tái cấu trúc của PVC, PVC-IC là một trong 3 đơn vị nòng cốt có năng lực thi công tốt nhất, không nằm trong danh sách thoái vốn. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh liên tục sa sút, PVC-IC lại trở thành gánh nặng của PVC.
Theo báo cáo tài chính quý II/2017, doanh thu của PVC-IC chỉ đạt 149 tỷ đồng, không đủ bù đắp chi phí hoạt động trong kỳ. Như vậy, PVC-IC đã báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp với hơn 7 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của PVC-IC giảm 17,6%, chỉ còn 219,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 18,3 tỷ đồng so với mức lãi hơn 5 tỷ đồng của cùng kỳ 2016.
Theo giải trình của Công ty, trong quý II/2017, việc nghiệm thu, thanh quyết toán của các công trình gặp nhiều khó khăn, giá trị khối lượng thi công tại các công trình chưa được nghiệm thu, thanh quyết toán, nên doanh thu quý II/2017 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2016. Việc thu hồi công nợ cũng rất khó khăn, nợ vay ngân hàng tuy đã giảm nhưng vẫn cao dẫn đến chi phí tài chính quý II/2017 không giảm được nhiều so với cùng kỳ năm 2016.
Trong thời gian qua, Công ty thi công một số công trình ở xa nên chi phí chung và chi phí quản lý cũng tăng lên. Máy móc, thiết bị dụng cụ thi công xây lắp Công ty phải đi thuê bên ngoài dẫn đến chi phí máy thi công và công cụ, dụng cụ tăng lên rất nhiều.
Kiểm toán lưu ý nhiều vấn đề
Tại Báo cáo soát xét báo cáo tài chính giữa niên độ năm 2017, kiểm toán độc lập đã đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ. Các ý kiến ngoại trừ chủ yếu liên quan đến hoạt động chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất tại số 35D đường 30/4, TP. Vũng Tàu (4,98 tỷ đồng); chậm nộp tiền thuê đất (tại Dự án Diamond PVC-IC, số tiền thuế nợ Nhà nước là 51,9 tỷ đồng) và tiền mặt bị phong tỏa tại OceanBank (45 tỷ đồng). Mới đây, Chi cục Thuế TP. Vũng Tàu đã có quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng của PVC-IC do doanh nghiệp chậm nộp quá hạn 90 ngày.
Về những vấn đề liên quan đến pháp lý, chậm nộp tiền sử dụng đất tại vị trí 35D đường 30/4, TP. Vũng Tàu, theo giải trình của PVC-IC thì Công ty đang thực hiện các thủ tục trình các sở, ban, ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xin gia hạn hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các dự án trên.
Dự án Diamond PVC-IC vẫn đang được Công ty triển khai thi công theo đúng tiến độ. Hiện Công ty đang dành hết các nguồn lực để đẩy nhanh xây dựng dự án này. Theo kế hoạch, Công ty sẽ bàn giao trước mặt bằng khu thương mại phức hợp cho các đối tác vào quý III/2017. Khối chung cư sẽ được hoàn thiện và bàn giao trong quý I/2019. Đây được coi là dự án trọng điểm và đem lại nguồn thu chính cho PVC-IC trong thời gian tới. Ước tính sơ bộ lợi nhuận ròng của Dự án khoảng 60 - 70 tỷ đồng.
Một vấn đề nhức nhối khác liên quan đến tài chính của PVC-IC là khoản tiền bị phong tỏa. Hiện PVC-IC đang có khoản tiền gửi 45 tỷ đồng bị phong tỏa tại OceanBank. OceanBank đang chờ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phê duyệt để thực hiện chi trả cho khách hàng là tổ chức kinh tế thuộc PVC. Theo đánh giá của Công ty, khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai, không có rủi ro tổn thất nên không phải trích lập dự phòng tổn thất tài sản. Tuy nhiên, việc bị phong tỏa một khoản tiền lớn chưa biết khi nào được nhận lại khiến tình hình tài chính của PVC-IC đã khó khăn càng khó khăn hơn.