Năm 2017, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh ghi nhận mức lỗ 240,41 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi |
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 304,12 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2017 vừa được công bố, doanh thu thuần của QNC chỉ đạt 242 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ trong khi giá vốn hàng bán lại tăng tới 14,99%. Điều này khiến cho lợi nhuận gộp Công ty sụt giảm mạnh và ghi nhận mức lỗ 116,79 tỷ đồng so với con số lãi 23,78 tỷ đồng của quý IV/2016. Nguyên nhân chi tiết về sự gia tăng đột biến trong giá vốn hàng bán không được QNC đưa ra song theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, mảng kinh doanh khác (không được thuyết minh) là nguyên nhân chính mở rộng mức thua lỗ của Công ty. Cụ thể, doanh thu từ mảng này chỉ đạt 107,4 tỷ đồng, thế nhưng giá vốn lại lên tới 194,91 tỷ đồng nên ghi nhận mức lỗ 87,51 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, các chi phí hoạt động khác cũng đều gia tăng mạnh, đặc biệt là chi phí bán hàng đã tăng cao một cách bất ngờ. Thuyết minh BCTC cho thấy chi phí dịch vụ mua ngoài trong chi phí bán hàng quý IV/2017 đạt 31,45 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với mức 7,25 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Kết quả Công ty chịu lỗ ròng 214,64 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ gần 24 tỷ đồng. Đây là mức thua lỗ cao nhất mà QNC phải gánh chịu từ khi niêm yết.
Lũy kế cả năm 2017, doanh thu thuần của QNC đạt 959,06 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, lãi gộp ghi nhận âm 2,84 tỷ đồng so với mức lãi 120,34 tỷ đồng năm 2016. Các chi phí hoạt động khác đều gia tăng mạnh đặc biệt là chi phí bán hàng, đã khiến cho lợi nhuận sau thuế của QNC ghi nhận mức âm cao nhất 240,41 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2017, cổ đông của Công ty đang phải gánh mức lỗ lên tới 304,12 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 79,17 tỷ đồng. Trước đó, kiểm toán AASC cũng đã đưa ra những cảnh báo về năng lực trả nợ của doanh nghiệp trong BCTC soát xét giữa niên độ 2017.
Dấu hỏi về việc tăng vốn
Mặc dù hoạt động kinh doanh không hiệu quả nhưng trong năm 2017, QNC vẫn phát hành riêng lẻ thành công tăng vốn điều lệ từ 184,51 tỷ đồng lên trên 370 tỷ đồng cho các cổ đông chiến lược.
Điểm chung của các đợt phát hành riêng lẻ này là các cổ đông chiến lược mua cổ phần đều là những cá nhân hay tổ chức có liên quan đến thành viên trong Ban lãnh đạo Công ty.
Cụ thể, đợt 1 được thực hiện vào cuối quý I/2017, Công ty chỉ chào bán riêng lẻ được 6,73 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư phần lớn là thành viên trong ban lãnh đạo Công ty như bà Đào Thị Đầm, Phó chủ tịch HĐQT, mua 2 triệu CP; Công ty TNHH Tô Tây - Công ty liên quan đến ông Tô Ngọc Hoàng - thành viên HĐQT, mua 2,9 triệu CP và các cá nhân khác.
Đợt chào bán riêng lẻ thứ 2 diễn ra vào cuối quý IV/2017 tăng vốn từ 251,8 tỷ đồng lên trên 370 tỷ đồng cho 4 nhà đầu tư tổ chức, trong đó có hai doanh nghiệp liên quan tới thành viên HĐQT là Công ty CP Núi Rùa mua 5 triệu CP (tương đương 13,45% vốn điều lệ), người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Xuân Quế hiện đang là Chủ tịch HĐQT của QNC và Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Trường Thành (doanh nghiệp liên quan đến bà Đào Thị Đầm) đã mua 2 triệu CP (tương đương 5,38% vốn điều lệ). Hai tổ chức còn lại đều có trụ sở tại huyện Kinh Môn, Hải Dương.
Trong khi giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường đều thấp xa so với mệnh giá, việc các cổ đông chiến lược mua vào với giá 10.000 đồng/CP và hoạt động sản xuất kinh doanh của QNC hết sức bết bát khiến nhà đầu tư không khỏi đặt dấu hỏi về tính thực chất của đợt tăng vốn. Một điều dễ nhận thấy là, việc tăng vốn đã giúp cho QNC tránh được việc phải ghi nhận vốn chủ sở hữu âm tại thời điểm 31/12/2017. Năm 2018, nếu hoạt động kinh doanh không cải thiện, QNC sẽ phải đối mặt với việc hủy niêm yết trên HNX.