Bộ Tài chính đề xuất xây dựng giải pháp quay xổ số nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia giám sát doanh thu kinh doanh của người nộp thuế. |
Hộ kinh doanh chiếm trên 30% GDP
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến cho biết, cho đến nay hộ kinh doanh vẫn đang là chủ thể có đóng góp lớn trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước (trên 30% GDP - niêm giám thống kê năm 2017).
Trong những năm gần đây, bên cạnh những hộ kinh doanh quy mô nhỏ chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình thì cũng có nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn.
Theo số liệu quản lý thuế năm 2017 thì số hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên là 102.095 hộ. Nhiều hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn thường xuyên có doanh thu lên đến vài trăm tỷ đồng/năm, nhiều hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù không phù hợp với mô hình hộ khoán như: kinh doanh hóa chất; vật tư và thiết bị y tế; máy móc thiết bị xây dựng; vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản...
Bộ Tài chính cho biết, hộ kinh doanh hiện nay ngoài việc kinh doanh theo hình thức truyền thống thì cũng đã có nhiều hộ kinh doanh áp dụng các hình thức kinh doanh hiện đại như: hợp tác kinh doanh với tổ chức như: kinh doanh vận tải, kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, kinh doanh thương mại điện tử (qua mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử) để mở rộng quy mô kinh doanh.
Mặc dù với sự phát triển và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước nhưng Bộ Tài chính cho rằng, số thu từ thuế của hộ kinh doanh lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước (theo số liệu năm 2017 là 1,56% trong tổng thu ngân sách nhà nước không kể dầu thô).
“Đây là lĩnh vực được đánh giá thất thu về đối tượng nên rất cần phải có giải pháp để mở rộng cơ sở thuế, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước nhưng không tăng thuế làm ảnh hưởng đến những hộ kinh doanh đang quản lý,” dự thảo của Bộ Tài chính nêu lên.
Quay xổ số để... khuyến khích người dân lấy hoá đơn
Bộ Tài chính đánh giá, với thực trạng phát triển của hộ kinh doanh như vậy nhưng khung pháp luật về hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ và tổ chức quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn nhiều bất cập.
Cụ thể, hiện nay vẫn chưa có biện pháp để giám sát doanh thu đối với những hộ kinh doanh trong một số ngành nghề đặc thù. Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ sở dữ liệu đồng bộ. Đặc biệt, cơ quan chức năng thừa nhận chưa có giải pháp để khuyến khích người dân lấy hoá đơn từ các hộ kinh doanh.
"Cải cách công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo hướng hiện đại hóa tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh, tăng cường tính minh bạch, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương và thúc đẩy hộ kinh doanh quy mô lớn chuyển thành doanh nghiệp, mở rộng cơ sở thuế đối với thành phần kinh tế cá thể", Bộ Tài chính nhìn nhận.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, giải pháp được Bộ Tài chính tính tới phân loại hộ kinh doanh để áp dụng các biện pháp không dùng tiền mặt trong giao dịch kinh doanh bán lẻ, nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí,...
Bộ Tài chính nêu lên việc đẩy mạnh sử dụng hoá đơn điện tử, kết nối thông tin doanh thu bán hàng thông qua máy tính tiền hoặc các thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán.
Đáng lưu ý, để khuyến khích người dân lấy hóa đơn, nội dung khác được Bộ Tài chính đề xuất là: Xây dựng giải pháp quay xổ số nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia giám sát doanh thu kinh doanh của người nộp thuế, bao gồm cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Theo đó, bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý thuế để bổ sung thêm trách nhiệm nghiên cứu xây dựng các giải pháp quay xổ số nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia giám sát hoạt động kinh doanh của người nộp thuế đảm bảo người nộp thuế kê khai doanh thu đúng thực tế.