Quy hoạch Quảng Ngãi định hình các hành lang kinh tế từ hạ tầng sẵn có và các dự án được đầu tư trong tương lai. Ảnh: Hà Minh |
Việc định vị được các hành lang kinh tế sẽ mở ra dư địa phát triển rộng lớn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ngãi phát triển nhanh hơn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh.
Từ hành lang kinh tế Bắc - Nam…
Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi cho biết, trong đồ án quy hoạch tỉnh lần này, tất cả các chuyên đề đều tính tới mối liên kết giữa các địa phương trong nội Tỉnh, kết nối với các vùng, khu kinh tế (KKT), khu đô thị các địa phương lân cận và có tính đến liên kết quốc gia. Thể hiện rõ nhất, cụ thể nhất chính là hạ tầng tạo liên kết và dẫn dắt các hành lang kinh tế phát triển theo. Chính vì vậy, việc định vị các hành lang kinh tế gần như bám sát theo quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng tại các dự án mà Quảng Ngãi và Trung ương đã quy hoạch, đầu tư, đang khai thác và những dự án nằm trong kế hoạch đầu tư sắp tới.
Trong số các hành lang kinh tế quan trọng, trục Bắc - Nam với điểm đầu từ Khu kinh tế Dung Quất kết nối TP. Quảng Ngãi và kết thúc tại thị trấn Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) trước nay vẫn là trục xương sống, được dẫn dắt bởi các công trình hạ tầng giao thông đối ngoại quốc gia xuyên suốt: cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường ven biển, tuyến đường sắt và đường sắt tốc độ cao trong tương lai cũng như kết nối các cảng biển (Chân Mây, Tiên Sa, Tam Hòa, Dung Quất, Nhơn Hội); các cảng hàng không quan trọng của vùng và quốc gia (sân bay Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai và Phù Cát).
Theo nhận định của các chuyên gia thì hành lang kinh tế này có phạm vi kết nối không gian phát triển đô thị, mạng lưới giao thông từ Quảng Ngãi đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế (trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung); kết nối với Bình Định, Phú Yên vì đây cũng chính là một phần trong hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia.
Từ hành lanh kinh tế này, Quảng Ngãi có cơ hội lựa chọn và thu hút đầu tư theo nhu cầu và thế mạnh của địa phương để hình thành vùng kinh tế nông nghiệp và vùng kinh tế sinh thái ven biển; hình thành chuỗi hỗ trợ và phát triển bứt phá công nghiệp từ sự liên kết với các khu vực kinh tế trọng điểm khác trong vùng như KKT mở Chu Lai của Quảng Nam, để phát triển các ngành công nghiệp một cách mạnh mẽ ở khu vực Cụm kinh tế công nghiệp Dung Quất.
Bên cạnh đó, hành lang này cũng giúp hình thành mối liên kết hỗ trợ để phát triển lĩnh vực vận tải, thông qua hệ thống giao thông với 3 trục đường Bắc - Nam chính; hệ thống cảng biển và cảng nước sâu Dung Quất; sân bay Chu Lai của Quảng Nam; đường sắt Bắc - Nam; hệ thống hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và khu vực Đông Nam Á…
… đến hành lang kinh tế Đông - Tây
Bên cạnh hành lang kinh tế theo trục truyền thống, đây là giai đoạn Quảng Ngãi định hình rõ nét, đẩy mạnh chiến lược khai thác và phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây với mục tiêu kéo gần miền núi với miền xuôi, phát triển mạnh vùng ven biển, kinh tế biển. Từ đó tạo ra những vùng, khu vực có tiềm năng thu hút các dự án, lĩnh vực đầu tư phù hợp, thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân và dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo từng loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ với hàm lượng và giá trị chất xám cao.
Cùng với hành lang kinh tế Bắc - Nam, quy hoạch lần này đã nêu bật và làm đậm nét hơn các hành lang kinh tế Đông - Tây (phía Nam) liên kết các huyện miền núi Ba Tơ - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng; hành lang liên kết đồng bằng, miền núi và trung du theo tuyến Dung Quất - Trà Bồng - Trà My (tỉnh Quảng Nam) dọc Quốc lộ 24C nối Kon Tum và hành lang liên kết khu vực biển Sa Huỳnh lên huyện miền núi Ba Tơ - Ba Vì liên kết với Kon Tum tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi, hành lanh kinh tế tổng hợp này sẽ khai thác được tiềm năng, phát huy từng đặc điểm, thế mạnh và qua các hành lang này, liên kết cũng bao trùm hơn theo khả năng kết nối các khu vực miền núi Quốc lộ 24B và DT626. Về mặt địa chính, hành lang kinh tế sẽ kết nối địa phận các huyện Ba Tơ - Sơn Hà - Trà Bồng - Sơn Tây (qua DT623) - Minh Long (qua DT625).
Ngoài ra, hành lang Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc Quốc lộ 24C (Đông - Tây phía Bắc) không chỉ bổ trợ chiến lược phát triển KKT Dung Quất nói riêng, mà còn đóng vai trò liên hệ vùng với KKT mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) cũng như với Lào, Thái Lan về phía Tây. Theo đơn vị tư vấn, hệ thống hành lang kinh tế Đông - Tây này thường được hình thành dựa trên việc kết nối các KKT biển phía Đông với các KKT cửa khẩu phía Bắc. Do đó, hành lang này sẽ liên kết chặt chẽ và gia tăng sự bổ trợ của Cụm kinh tế công nghiệp Dung Quất - dịch vụ Bình Sơn, Vùng kinh tế rừng xanh và Vùng kinh tế nông nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực miền Trung có hai tuyến hành lang quốc tế quan trọng là các tuyến đường xuyên Á qua cửa khẩu Lao Bảo (Quốc lộ 9) và cửa khẩu Lệ Thanh (Quốc lộ 19), từ đó nối liền những cửa khẩu khác và các tuyến cao tốc, quốc lộ khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Đối với hành lang Dung Quất - Trà Bồng - Trà My, không gian phát triển còn được định vị lan tỏa khu vực đảo Lý Sơn về phía Đông, và phía Tây từ Trà My (Quảng Nam) có thể kết nối với cửa khẩu Nam Giang hoặc cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) để giao thương với Lào và Thái Lan.
Tương tự hành lang Dung Quất - Trà Bồng - Trà My, trục Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ) - Ba Vì (huyện Ba Tơ) theo tuyến Quốc lộ 24C là hành lang kinh tế hướng đến vai trò liên kết và thúc đẩy KKT biển (Nam Nghĩa Hành, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ, Sa Huỳnh) nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Đây cũng là hành lang kinh tế được định hình theo chiến lược liên kết tỉnh phía Bắc Bình Định và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Tuyến hành lang này sẽ tận dụng tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp của các huyện Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và sự bổ trợ của huyện Nghĩa Hành và Minh Long; lợi thế phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi của huyện Ba Tơ để hình thành vùng sản xuất nguyên liệu nông, lâm sản chất lượng cao (hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…).
Đồng thời, hình thành trung tâm thương mại - dịch vụ và đô thị phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi với việc liên kết, phát triển khu vực Thạch Trụ của huyện Mộ Đức và khu vực Phổ Hoà của thị xã Đức Phổ thành các trung tâm dịch vụ, hành chính, vận tải, logistics. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển các huyện phía Nam Quảng Ngãi, tăng tính kết nối với các tỉnh miền Nam thông qua Bình Định, trở thành điểm giao quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây của vùng. Tỉnh cũng kỳ vọng sẽ hình thành dải du lịch nghỉ dưỡng ven biển kết hợp trải nghiệm rừng xanh, đa dạng về sinh thái và văn hóa (Sa Huỳnh, Chămpa, văn hóa dân tộc…) tại khu vực này.