Tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, thấp hơn mục tiêu 14 - 15%, song vẫn cung ứng khoảng 13,6 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Ảnh: Song Lê |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, thấp hơn mục tiêu 14 - 15%, song vẫn cung ứng khoảng 13,6 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Khác với mọi năm, đầu năm 2024, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Đây là hình thức mới, thể hiện sự chủ động, quyết tâm, sáng tạo trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của NHNN, tạo điều kiện cho các TCTD đáp ứng nhu cầu hợp pháp về vốn, thúc đẩy tổng cầu.
Về điều hành tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tăng sức hấp thụ vốn, cần sự cải thiện từ môi trường kinh tế, nhu cầu đầu tư, nhu cầu tiêu dùng.
Mặt khác, NHNN sẵn sàng xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng, nhưng trong điều kiện vĩ mô của nền kinh tế cho phép và quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng tín dụng, dòng vốn hiệu quả, đúng mục đích.
Thời gian tới, ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Làm rõ hơn về căn cứ để đưa ra mức tăng trưởng tín dụng 15% và giao ngay từ đầu năm, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, khó khăn đối với nền kinh tế vẫn rất rõ ràng, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn duy trì lãi suất cao nên khả năng suy thoái nhẹ có thể xảy ra. Điều này sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở lớn. Trước tình hình tổng cầu có nguy cơ giảm trong năm 2024, NHNN chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các TCTD cung cấp lượng vốn đầy đủ, kịp thời để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế ngay từ đầu năm. Mặt khác, đây cũng là mức tăng trưởng được cân nhắc thận trọng khi tỷ lệ vốn tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức khoảng 130%, ngưỡng khá cao theo khuyến cáo của nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế.
Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng là 15%. Ảnh: Song Lê |
Tại Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024 vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, cách thức điều hành chính sách tiền tệ là một điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023. Việc điều tiết cung tiền nhất quán theo hướng hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế, đồng thời linh hoạt hút tiền trên thị trường mở khi áp lực tỷ giá dâng cao.
Về năm 2024, theo VDSC, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ từng bước cắt giảm lãi suất điều hành, từ đó sẽ giảm áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ cho NHNN. VDSC kỳ vọng một môi trường chính sách ổn định theo hướng tích cực, giúp lãi suất trong nền kinh tế duy trì ở vùng thấp và tăng trưởng tín dụng dự báo đạt mức 14 - 15%.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2023, NHNN đã khá thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, bảo đảm cung ứng vốn trong năng lực cho phép và ổn định giá trị đồng tiền. Trong những năm qua, hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ theo nhiều đợt trong năm dựa theo diễn biến hoạt động của thị trường tài chính - tiền tệ, khả năng kiểm soát vốn của nền kinh tế.
Về việc năm 2024, NHNN phân bổ hết “room” tín dụng 15% từ đầu năm, theo ông Thịnh, điều này cho thấy cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã “lắng nghe” nhu cầu vốn của nền kinh tế và có định hướng dần thay đổi cách thức điều hành tín dụng, tăng thêm tính chủ động cho các ngân hàng thương mại có kế hoạch về nguồn vốn, dư địa vốn để cung ứng và thực hiện các kế hoạch kinh doanh.
“Đây là bước đi cần thiết để có thể tính đến không còn áp hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, tăng tính thị trường trong hoạt động điều hành và điều phối tiền tệ trong nền kinh tế, phù hợp với cách thức điều hành chính sách tiền tệ của các nước phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn tín dụng/GDP của Việt Nam hiện ở mức khá cao và cần tính toán giảm dần. Đồng thời, nhiệm vụ thường xuyên là kiểm soát dòng vốn tín dụng để tránh các kênh đầu cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro cao”, ông Thịnh nhấn mạnh.