Quyết liệt hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh

(BĐT) - Có rất nhiều nguyên nhân góp phần tạo nên kết quả ấn tượng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong đó, theo nhiều chuyên gia, động lực mang tính nền tảng chính là nhờ sự cải thiện vượt bậc của môi trường đầu tư kinh doanh. Để tiếp tục đà tăng trưởng cao trong năm 2018, những nỗ lực này cần phải được tiếp tục với quyết tâm mạnh mẽ hơn.

Sự cải thiện vượt bậc của môi trường đầu tư kinh doanh

Môi trường đầu tư kinh doanh đóng vai trò xương sống cho sự phát triển ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Kết thúc năm 2017 – năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và là năm chạy nước rút cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, năm 2017 đánh dấu sự cải thiện vượt bậc trong môi trường kinh doanh của nước ta so với chính mình và với các nước trong khu vực, làm cho nền kinh tế nước ta trở nên hấp dẫn hơn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thương mại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Khi nhìn nhận lại những kết quả đạt được của kinh tế năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng thấy “tâm đắc” khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam được thế giới đánh giá tăng 5 bậc, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc, chỉ số tín nhiệm của ngân hàng từ ổn định đến tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực, chỉ số phát triển bền vững tăng 20 bậc…

Đặc biệt, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 đã lần đầu tiên được cộng đồng quốc tế đánh giá có sự cải thiện vượt bậc khi so sánh với Trung Quốc. Sự cải thiện của môi trường kinh doanh đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. 

Giải quyết những vấn đề nội tại

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, để kinh tế duy trì đà tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian sắp tới, các chính sách cần chú trọng nâng cao chất lượng của môi trường đầu tư kinh doanh và cùng với đó là giải quyết các vấn đề đang tồn đọng, tăng cường xây dựng năng lực nội tại để có thể chủ động đón nhận cơ hội và vượt qua thách thức từ cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Trong đó, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ chất lượng của môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đó, cần chủ động nâng cao năng lực quản trị nhà nước hiện đại và tăng cường ứng dụng quản trị số trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào cải thiện mục tiêu khởi sự kinh doanh và giải quyết phá sản doanh nghiệp của Việt Nam ngay từ đầu năm 2018 nhằm không chỉ rút ngắn khoảng cách tụt hậu quá xa của Việt Nam so với ASEAN-4, mà quan trọng hơn là góp phần khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh CMCN 4.0.

Trong khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung, cần chú trọng hơn tới việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, gắn kết trường đại học và viện nghiên cứu với cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời gia tăng tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ở cả khu vực công và tư, cũng như tập trung nâng cao hiệu quả thực thi chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hiệu lực thực thi hợp đồng kinh doanh phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận sự khác biệt của tăng trưởng trong năm 2017 là việc tăng trưởng nhờ vào sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có khu vực FDI, tăng trưởng nhờ vào cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó mà thu hút thêm được đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân.

Với mong muốn tiếp tục đà tăng trưởng cao trong năm 2018, ông Nguyễn Đình Cung kỳ vọng, những cải cách trong môi trường đầu tư kinh doanh trong năm 2018 cần theo hướng “thị trường, thị trường và thị trường hơn; cạnh tranh, cạnh tranh và cạnh tranh hơn”. “Cải cách sẽ tập trung vào việc xóa bỏ những rào cản gia nhập thị trường để làm cho thị trường kinh doanh thuận lợi hơn, giảm chi phí doanh nghiệp, từ đó chúng ta nhìn thấy mức độ cạnh tranh và mức độ thị trường tăng lên. Mức độ và quy mô cạnh tranh thị trường gia tăng là tiền đề thúc đẩy cạnh tranh” – ông Cung nhấn mạnh.