Lãi suất huy động vẫn đang tiếp tục “nóng”, nhất là tại các kỳ hạn dài |
“Nóng” lãi suất huy động
Báo cáo tình hình kinh tế tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) nhận định, nhìn chung, lãi suất liên ngân hàng quý I/2016 cao hơn so với cùng kỳ 2015, lãi suất huy động ngắn hạn biến động nhẹ ở kỳ hạn 6-12 tháng, mặt bằng lãi suất huy động chủ yếu tăng mạnh ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng (phổ biến từ 7-8%/năm).
Còn kết quả khảo sát lãi suất tháng 3 của CTCK HSC cho thấy, cả lãi suất huy động và cho vay bằng VND đều tăng nhẹ. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 3/2016, lãi suất huy động bình quân tiền đồng tăng nhẹ 0,06%/năm lên tới 6,02%/năm, từ mức 5,96%/năm của tháng 2, và tăng 0,12%/năm so với đầu năm. Với mức lãi suất huy động bình quân tiền đồng tại thời điểm cuối tháng 3/2015 là 5,74%/năm, chu kỳ lãi suất huy động hiện tại đã lập đáy tại 5,69%/năm vào tháng 5/2015.
Theo UBGS, nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng lãi suất kỳ dài hạn do: (1) tín dụng trung-dài hạn năm 2015 tăng trên 30% đã đặt ra nhu cầu cần cơ cấu lại nguồn vốn trong hệ thống NHTM; (2) các NHTM tăng tỷ trọng huy động vốn trung-dài hạn nhiều hơn nhằm đón đầu trước quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc phụ trách tiền tệ của một NHTM cổ phần cho biết thêm, lãi suất liên ngân hàng qua đêm hiện ở mức khá cao 4-5%/năm, nên khi Thông tư 36 sửa đổi được áp dụng, các ngân hàng sẽ rất căng thẳng. Năm ngoái, các ngân hàng cho vay bất động sản rất nhiều và đương nhiên đó là những kỳ hạn dài, nên khi điều chỉnh giảm nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn từ 60% xuống 40%, chắc chắc tỷ lệ 40% sẽ bị vượt bởi nhiều ngân hàng hiện đã sát mức này.
Nếu NHNN áp dụng mức 40%, nghĩa là ngân hàng không còn vốn cho vay, buộc các ngân hàng phải ra thị trường 1 tăng lãi huy động, đặc biệt là huy động dài hạn, để tăng nguồn vốn, đảm bảo các gói tín dụng trong kế hoạch kinh doanh của họ được thực hiện.
Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, lãi suất huy động được đẩy lên cao như thường lệ từ các ngân hàng nhỏ rồi lan sang các ngân hàng lớn, trong khi ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất huy động lên cao chủ yếu là câu chuyện liên quan đến thanh khoản. Các ngân hàng nhỏ buộc phải cho vay trung, dài hạn (như bất động sản, một lĩnh vực cho vay được đánh giá là “ngon và béo bở” với nhu cầu luôn lớn) mới có lợi nhuận cao, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn.
Theo đó, khi có nhu cầu vốn để trả cho các khách hàng huy động ngắn hạn, các ngân hàng nhỏ đổ ra thị trường huy động với lãi suất cao nhằm lôi kéo, cạnh tranh với các ngân hàng lớn trong việc thu hút khách hàng. Điều này đã đẩy các ngân hàng lớn buộc phải tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng.
Trao đổi với ĐTCK, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, tổng cầu tăng do kinh tế tăng trưởng rõ nét hơn, cộng hưởng với lộ trình tăng giá nhiều dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ làm tăng sức ép lạm phát 2016, được dự báo khoảng 5%, cao hơn nhiều so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, gây áp lực đến lãi suất huy động của các TCTD.
Sẵn sàng “đeo vòng kim cô” cho lãi suất
Theo UBGS, dự đoán trong năm 2016, lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm so với năm 2015 do: (1) lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015; (2) nhu cầu tăng vốn huy động của hệ thống TCTD (do vốn huy động những tháng đầu năm tăng trưởng chậm hơn tín dụng); (3) tăng vốn huy động kỳ dài hạn nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36 sửa đổi. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ vẫn trong mức kiểm soát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) cho biết: “Mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm thêm trong thời gian tới khi cầu kinh tế tăng lên và Bộ Tài chính đang cần huy động rất nhiều vốn để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, cộng thêm việc khi lãi suất USD tăng lên, thì mặt bằng VND vẫn cần phải được duy trì ở mức đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân giữ và gửi tiết kiệm bằng tiền đồng”.
Liên quan đến việc điều hành lãi suất, ông Bùi Quốc Dũng cho hay, mục tiêu quan trọng là vừa phải điều tiết thanh khoản hài hòa để kiềm chế lạm phát, giữ ổn định mặt bằng lãi suất của các TCTD, vừa phải đảm bảo hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các TCTD đầu tư vào trái phiếu chính phủ, không để lợi suất trái phiếu chính phủ lên cao, qua đó tác động trở lại đến lãi suất dài hạn trên thị trường tiền tệ, gián tiếp cản trở đến mục tiêu ổn định lãi suất cho vay của các TCTD.
Trên cơ sở đó, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý, hỗ trợ các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế. Đồng thời, điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD, nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
“Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục có các giải pháp, công cụ điều hành mới về cung ứng tiền phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện của thị trường tiền tệ, nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Với các giải pháp này, tuy áp lực đối với lãi suất trong năm nay là lớn, song mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất trung-dài hạn trong năm 2016 là khả thi”, ông Dũng nhấn mạnh.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam tháng 4/2016 của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC nhận định, triển vọng tăng trưởng yếu hơn cùng với quỹ đạo giá cả hàng hóa toàn cầu ổn định đồng nghĩa với việc lạm phát có thể sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2016. HSBC hạ dự báo CPI toàn phần năm 2016 từ 2,9% xuống 1,6% và chuyển thời điểm kỳ vọng của đợt tăng lãi suất đầu tiên xuống 12 tháng, nghĩa là vào quý III/2017.