Hoạt động kinh doanh truyền thống của PCC1 là xây lắp điện. Ảnh: Ngọc Loan |
Như vậy, sau khi chào bán thành công 11,5 triệu CP cho cổ đông chiến lược, PCC1 tiếp tục đưa cổ phiếu lên sàn theo đúng kế hoạch đã được ĐHĐCĐ hồi tháng 8 thông qua.
Được biết, 11,5 triệu CP đã được chào bán toàn bộ cho Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), một quỹ đầu tư được quản lý bởi Dragon Capital. Với mức giá 33.000 đồng/CP, PCC1 đã thu về gần 380 tỷ đồng trong thương vụ này. Toàn bộ cổ phiếu do VEIL nắm giữ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, tức là đến giữa tháng 9 năm sau.
Tham vọng đầu tư
Hoạt động kinh doanh chính của PCC1 là xây lắp điện và sản xuất công nghiệp. Trong đó, xây lắp điện là mảng kinh doanh truyền thống với 50 năm kinh nghiệm tại các công trình đường dây tải điện, trạm biến áp, công trình nguồn điện.
Mảng kinh doanh khác là bất động sản, tuy không phải là lĩnh vực truyền thống, nhưng đóng góp lợi nhuận khủng cho PCC1. Năm 2014, nhờ Dự án Mỹ Đình Plaza, PCC1 đã có một năm khởi sắc với lợi nhuận lên tới 416 tỷ đồng (năm 2013 chỉ đạt 139 tỷ đồng, năm 2015 đạt 245 tỷ đồng). Hiện PCC1 đang tiếp tục thực hiện Dự án Mỹ Đình Plaza 2 và tìm kiếm các dự án bất động sản mới.
Lĩnh vực thủy điện với đặc trưng dòng tiền thu về đều đặn và dài hạn, cũng được PCC1 đặt nhiều kỳ vọng. PCC1 đang đầu tư 4 nhà máy thủy điện với tổng công suất 114MW, trong đó 2 nhà máy là Trung Thu (30MW) và Bảo Lâm 1 (30MW) đi vào vận hành và phát điện vào quý IV năm nay.
Tổng cộng nguồn vốn mà PCC1 cần giải ngân cho năm 2016 lên tới 920 tỷ đồng, tương đương 13,6% tổng mức đầu tư các dự án. Việc phát hành CP cho đối tác chiến lược VEIL nằm trong kế hoạch huy động vốn của Công ty.
9 tháng đầu năm 2016, dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư của PCC1 lần lượt âm 564 tỷ đồng và 702 tỷ đồng. Nhờ các nguồn thu từ phát hành cổ phiếu và đi vay, số dư tiền và tương đương tiền của Công ty cuối quý III/2016 vẫn đạt mức 341 tỷ đồng, giảm 230 tỷ đồng so với số dư đầu năm.
9 tháng hoàn thành 86% kế hoạch năm
PCC1 không đưa ra doanh thu cụ thể của từng mảng hoạt động. Tuy nhiên, căn cứ kế hoạch kinh doanh mà HĐQT Công ty trình ĐHĐCĐ thường niên 2016, có thể thấy phần lớn doanh thu năm 2016 của PCC1 đến từ hoạt động xây lắp. Việc trúng thầu các dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của PCC1 ngay cả khi đơn vị này đã thoái hết vốn khỏi PCC1.
Sau ¾ chặng đường, PCC1 đã thực hiện gần 86% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Việc hoàn thành kế hoạch trước hạn của Công ty là hoàn toàn khả thi.
Tính đến cuối quý III/2016, PCC1 có số dư lợi nhuận chưa phân phối 730 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ của Công ty tại cùng thời điểm (752,6 tỷ đồng). Số dư lợi nhuận lũy kế dồi dào, PCC1 có thể dễ dàng thực hiện kế hoạch cổ tức 20% năm 2016.
Nhìn chung, tình hình kinh doanh của PCC1 tương đối khả quan, cho dù Công ty vướng vào không ít vụ lùm xùm về chất lượng thi công các dự án truyền tải điện.
Hiện tại vẫn chưa có một phương án niêm yết chính thức nào của PCC1 được đưa ra. Mức giá cho cổ phiếu PC1 vì vậy vẫn đang trong bức màn bí mật.
Theo tính toán của chúng tôi, giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu PC1 tại thời điểm cuối quý III/2016 đạt mức gần 27.000 đồng, vẫn thấp hơn mức giá cổ phiếu mà VEIL chấp nhận mua hồi tháng 9 vừa qua. Nếu lấy mức P/E (Chỉ số Giá/Thu nhập bình quân mỗi cổ phần) bình quân của thị trường Việt Nam khoảng 12 điểm, trong trường hợp thu nhập bình quân mỗi cổ phần (EPS) của PCC1 đạt 4.700 đồng như kế hoạch, mức giá cổ phiếu PC1 sẽ lên tới 56.400 đồng.
Tuy nhiên, tùy theo phương pháp tính toán cũng như cách tiếp cận, mức giá khởi điểm của PC1 sẽ thay đổi đáng kể.