SCIC dè dặt với kế hoạch kinh doanh 2017

(BĐT) - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014 - 2016 với doanh thu năm 2016 cao kỷ lục, một phần nhờ tăng cường bán vốn tại các doanh nghiệp. 
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2017 của SCIC là 8.330 tỷ đồng, chỉ bằng 44% so với năm 2016. Ảnh: Hoàng Việt
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2017 của SCIC là 8.330 tỷ đồng, chỉ bằng 44% so với năm 2016. Ảnh: Hoàng Việt

Năm 2017 SCIC đặt kế hoạch khiêm tốn hơn so với năm 2016 do việc chậm phê duyệt bán vốn doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh năm 2016 cao kỷ lục

Theo kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014 - 2016 của SCIC, năm 2016, doanh thu của Tổng công ty đạt 22.034 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2015. Đây là mức doanh thu kỷ lục của SCIC trong suốt quá trình hoạt động. Năm 2014 và 2015 doanh thu của SCIC đạt lần lượt 7.144 tỷ đồng (tăng 34% so với năm 2013) và 10.703 (tăng 49% so với năm 2014).

Tương ứng với tổng doanh thu kỷ lục, lợi nhuận trước thuế 2016 của SCIC cũng ghi nhận con số đột biến 18.971 tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với năm 2013. Nộp ngân sách nhà nước năm 2016 lên tới 16.589 tỷ đồng, tăng 7,4 lần so với năm 2013. Trong đó, doanh thu từ bán vốn tại Vinamilk sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý đã nộp về quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp là 10.873 tỷ đồng. SCIC cũng cho biết, con số nộp ngân sách nhà nước 2016 được lấy theo dự thảo báo cáo tài chính hợp nhất, do báo cáo tài chính 2016 của SCIC chưa được phê duyệt chính thức.

Cũng theo báo cáo này, từ năm 2014 đến năm 2016, SCIC đã đầu tư 13.380 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư chủ yếu vào trái phiếu với giá trị lên tới 6.050 tỷ đồng, đầu tư vào cổ phiếu 1.864 tỷ đồng, đầu tư vào các dự án và doanh nghiệp thành lập mới là 631 tỷ đồng, và đầu tư vào cổ phần dành cho cổ đông hiện hữu là 3.836 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu tư theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ vào Tisco là 1.000 tỷ (đã rút vốn).

Riêng trong năm 2016, SCIC đã tiến hành giải ngân 1.174 tỷ đồng, bao gồm góp vốn đầu tư vào Công ty CP Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam 18 tỷ đồng để triển khai Dự án 29 Liễu Giai; đầu tư vào Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam 49,5 tỷ đồng; mua trái phiếu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 500 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 100 tỷ đồng. SCIC cũng cấp vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC 502 tỷ đồng…

Để đạt được thành tích ấn tượng trên, SCIC cho biết, công tác bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên tục được đẩy mạnh triển khai với kết quả tích cực, từng bước chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp. Năm 2016, SCIC đã bán vốn thành công tại cả doanh nghiệp có quy mô lớn và một số doanh nghiệp có nhiều tồn tại phức tạp và kéo dài. 

Khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch 2017

Là một DNNN, SCIC phải thực hiện công bố thông tin theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DNNN. Theo quy định, thời hạn công bố và gửi báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không muộn hơn ngày 31/5 của năm liền sau năm báo cáo đối với báo cáo tài chính năm. Tuy nhiên, đã hết tháng 6/2017 nhưng SCIC vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2016.
Theo Quyết định ban hành ngày 30/3/2017 của HĐTV SCIC, Tổng công ty đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2017 khiêm tốn so với thực hiện năm 2016. Cụ thể, tổng doanh thu kế hoạch đạt 11.241 tỷ đồng, bằng gần một nửa tổng doanh thu đã thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.330 tỷ đồng, chỉ bằng 44% so với năm 2016; nộp ngân sách nhà nước dự kiến là 6.127 tỷ đồng, giảm 10.500 tỷ đồng so với năm 2016.

Mặc dù đặt mục tiêu kinh doanh năm 2017 khiêm tốn nhưng SCIC cho biết khá khó khăn để đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính là do danh mục doanh nghiệp bán vốn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg. Quyết định này đã đưa ra bốn danh mục, trong đó danh mục thứ tư yêu cầu 106 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải thoái vốn, Nhà nước chỉ còn nắm giữ dưới 50% vốn.

Cũng liên quan đến việc chậm phê duyệt phương án cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp có vốn nhà nước, tại buổi họp báo chuyên đề về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp vừa diễn ra, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho hay, tính tới giữa tháng 6/2017, mới có 19 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tiến độ chậm so với năm trước.

Theo SCIC, công tác bán vốn nhà nước hiện vẫn còn nhiều khó khăn mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ. Năm 2016, SCIC bán được 37 doanh nghiệp khó bán, hiện còn hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhiều năm, đang tiến hành phá sản hoặc thuộc diện giám sát đặc biệt, không có nhà đầu tư quan tâm nên khó bán vốn thành công. Trong đó, có một số doanh nghiệp đã triển khai bán vốn nhiều lần nhưng không thành công. Đồng thời, công tác tiếp nhận bàn giao vốn chậm và tiếp tục khó khăn do một số bộ, địa phương không tích cực bàn giao.

SCIC cũng cho biết thêm, công tác quản trị doanh nghiệp đảm bảo chặt chẽ và hiệu quả hơn, tuy nhiên còn một số doanh nghiệp có nhiều tồn tại, phức tạp kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, làm chậm trễ quá trình thoái vốn.

Tin cùng chuyên mục