Năm 2016, ngân sách phải dành ra 150.000 tỷ đồng để trả nợ. Ảnh: Tiên Giang |
Tránh “sốc” cho ngân sách trong trả nợ
Tại buổi họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA sáng ngày 22/3, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính quốc tế thuộc Bộ Tài chính thông tin, con số trả nợ trong năm 2015 chiếm khoảng 16% tổng thu ngân sách. Trong năm 2016, con số trả nợ được báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ được tính toán dựa trên kịch bản kinh tế vĩ mô, quản lý nợ, khoản nợ đến hạn và tình hình kinh tế hiện nay.
Theo đó, các khoản phải trả nợ và đảo nợ chiếm khoảng 24% trên tổng chi ngân sách, riêng trả nợ là 14,7%, tương đương trên 150.000 tỷ đồng. Còn lại khoản đảo nợ là 95.000 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, khoản vay có thời gian dài nhất hiện nay của Việt Nam là đến năm 2055. Với yêu cầu đặt ra khi kết thúc vay vốn ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc WB là phải trả nợ nhanh thì bình quân thời gian vay nợ là 12,5 năm cho các khoản nợ công.
“Khi tính toán dòng tiền và từng khoản nợ hiện nay của Việt Nam, thời điểm phải trả nhiều nhất sẽ vào năm từ 2022 - 2025, có nghĩa là từ nay đến 2020 chưa phải trả nhiều”, ông Long thông tin.
Để tránh “sốc” cho ngân sách trong việc thu xếp các khoản nợ trong thời gian tới khi Việt Nam “tốt nghiệp” IDA, Bộ Tài chính cho biết, các bộ, ngành của Việt Nam đang phối hợp với WB để có chương trình làm việc, đàm phán lộ trình và đề xuất WB đưa ra cam kết đối với Việt Nam trong việc có những phương án để hạn chế tác động tối đa tới ngân sách nhà nước, chủ đầu tư dự án, chương trình đối với việc trả nợ nhanh, đảm bảo tránh tác động đến nghĩa vụ nợ của Việt Nam.
Chi phí vốn vay thực tế không hề “rẻ”?
Thực tế, thời gian vừa qua, việc sử dụng vốn vay ODA được nhiều chuyên gia đánh giá chưa thực sự gắn với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch phát triển của các địa phương và vùng lãnh thổ, do vậy hiệu quả sử dụng vốn ODA chưa cao.
Ông Trương Hùng Long cho biết, trong giai đoạn 2005 - 2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD, cơ cấu sử dụng trong nước được phân chia cụ thể: 1/3 cho ngân sách trung ương để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương; 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương và 1/3 để cho vay lại các dự án trọng điểm của Nhà nước. Trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm 92,2%; cho vay lại chỉ chiếm 7,8%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chi phí vốn vay thực tế không hề rẻ. Các khoản vay ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Lợi ích dành cho các nhà thầu phụ Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, cơ chế sử dụng vốn chủ yếu dựa vào cấp phát từ ngân sách nhà nước và Nhà nước chịu rủi ro toàn bộ như hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề như đầu tư dàn trải, chưa hiệu quả; tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư... Việc duy trì cơ chế mang tính bao cấp từ phía Trung ương trong thời gian dài đã tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa thực sự khuyến khích các chủ đầu sử dụng vốn tiết kiệm, có hiệu quả.