Sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Diễn đàn chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững diễn ra hôm nay (13/10), ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn các chủ đầu tư các dự án điện tái tạo.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững (ảnh: Internet)
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững (ảnh: Internet)

Theo ông Hùng, từ trước tới nay, chủ đầu tư các dự án điện (bao gồm cả dự án năng lượng tái tạo) hầu hết được lựa chọn thông qua hình thức giao trực tiếp bởi cơ quan có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và các văn bản hướng dẫn liên quan (Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP) được ban hành, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện nói chung và các dự án năng lượng tái tạo sẽ phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

“Theo đó, tinh thần cơ bản là chủ đầu tư dự án (trừ một số trường hợp đặc biệt quy định trong Luật) sẽ lựa chọn thông qua đấu thầu, thực hiện các bước phê duyệt chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư) và đàm phán đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về giá mua điện theo khung giá Bộ Công Thương ban hành”, ông Hùng cho biết.

Vì thế, để kiểm soát tốt công suất hệ thống và phù hợp với tiến độ đầu tư lưới/nhu cầu phụ tải và khả năng giải tỏa công suất, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, trước khi đấu thầu quy mô công suất, thời điểm vận hành các dự án điện tái tạo sẽ được lấy ý kiến của Bộ Công Thương, EVN.

Về chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, thời gian tới sẽ ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà theo hướng tự sử dụng là chính. Theo đó, quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ (có thể là khoảng 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra hoặc một tỷ lệ hợp lý khác tùy theo quy mô công suất), đấu nối vào lưới điện từ 35 kV trở xuống mà không yêu cầu phải cải tạo nâng khả năng tải của lưới điện hiện hữu.

“Để khuyến khích, giá bán điện dư của dự án này có thể nghiên cứu quy định ở một mức phù hợp, điều chỉnh hàng năm và nằm trong khung giá phát điện mặt trời do Bộ Công Thương ban hành hàng năm”, ông Hùng chia sẻ.

Cho ý kiến về việc dự kiến chuyển dịch chính sách đối với phát triển kinh tế nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng trong thời gian tới, TS. Nguyễn Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là nghệ thuật trong điều hành. Bởi, nếu chính sách mới tốt sẽ giải quyết tốt được những về của quá trình phát triển như: kiểm soát được tình trạng phát triển ồ ạt của các dự án điện tái tạo dẫn đến hệ thống lưới điện không đảm bảo, gây lãng phí trong đầu tư; tình trạng nhiều nhà đầu tư điện gió đang có đơn “kêu cứu” xin gia hạn giá FIT…

“Vì thế, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo tới đây phải làm sao vừa mang tính định hướng trong việc 'khơi' nguồn lực trong phát triển, nhưng cũng có cơ chế đảm bảo lợi ích, tránh rủi ro cho các bên”, ông Thiên nói.

Trước đó, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho rằng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió là hình thức rất minh bạch, đảm bảo cơ hội công bằng cho tất cả các nhà đầu tư tham gia. Đây cũng là xu thế chung của thế giới.

Thông tin đưa ra tại Hội thảo cho thấy, đang có một xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ trong ngành năng lượng trên thế giới theo hướng chú trọng phát triển năng lượng tái tạo nhằm giải quyết những thách thức, hướng tới phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững. Ngay tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ, cơ quan này cho biết, Bộ tiếp tục xem xét, phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác…) với quy mô phù hợp; xem xét lộ trình giảm các nguồn điện than, phát triển các nguồn điện khí LNG một cách hợp lý.

Trên thực tế, năm 2020, tổng đầu tư vào điện mặt trời ở Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới, tổng công suất lắp đặt đứng thứ 5 thế giới - cao hơn Đức ở thời kỳ đầu khuyến khích phát triển loại hình năng lượng này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tại Hội thảo, do chưa có sự đồng bộ chính sách về phát triển năng lượng tái tạo nên thời gian qua đã xảy ra những khó khăn, vướng mắc khiến nhà đầu tư lo ngại.

Tin cùng chuyên mục