Tỷ giá những ngày còn lại của năm 2016 và năm 2017 sẽ vẫn chịu nhiều áp lực lớn và khó dự báo. Ảnh: Nhã Chi |
Tỷ giá tăng nhẹ
Sáng 15/12, FED chính thức nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25%, từ mức 0,5% lên 0,75%. Đây là lần thứ 2 FED điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thị trường trong nước ngay lập tức đã chịu tác động với việc tỷ giá tăng khá mạnh. Sáng 15/12, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 22.135 đồng, tăng 11 đồng so với phiên liền trước.
Theo tổng hợp của Báo Đấu thầu, tính đến 13h ngày 15/12, tỷ giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại có biến động tăng cả chiều mua vào và bán ra so với ngày hôm trước với mức tăng lớn hơn mức tăng của tỷ giá trung tâm khá nhiều. Vietcombank niêm yết tỷ giá 22.700 đồng/USD chiều mua vào, 22.770 đồng/USD chiều bán ra; VietinBank niêm yết 22.700 đồng/USD mua vào, 22.780 đồng/USD bán ra; BIDV mua vào 22.700 đồng, bán ra 22.780 đồng. Trung bình tăng khoảng 20 - 30 đồng mỗi chiều so với phiên liền trước.
Tuy nhiên, khảo sát một số ngân hàng thương mại trong khoảng 3 - 4 ngày gần đây cho thấy, mức tăng đồng USD ngày 15/12 không phải là đột biến. Thậm chí, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng của ngày 13/12 (tăng khoảng 40 đồng so với ngày 12/12). So với mức tăng kỷ lục vào ngày 25/11 vừa qua, tỷ giá trung tâm của VND với USD ngày 15/12 vẫn thấp hơn 2 đồng (22.137 đồng), tỷ giá của các ngân hàng thương mại chiều mua vào ở mức tương đương, chiều bán ra vẫn thấp hơn từ 15 - 25 đồng.
Ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), nhận định, việc FED điều chỉnh tăng lãi suất lần này tuy có tác động nhưng sẽ không tạo ra biến động lớn đối với tỷ giá trong nước. Bởi vì, quyết định tăng lãi suất của FED đã được dự báo từ khá sớm, thị trường đã có sự chuẩn bị, đón đầu, các chiến lược đầu tư nếu có đã thực hiện từ trước, chứ không dồn vào thời điểm này. Vì thế, sẽ không có cú sốc về tỷ giá.
Tỷ giá cả năm trong tầm kiểm soát
Theo ông Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, từ đầu năm, tỷ giá năm nay được dự báo tăng từ 1 - 2%. Kết quả đến thời điểm này cho thấy, điều hành tỷ giá hoàn toàn nằm trong dự báo, kế hoạch điều hành. Ông Cấn Văn Lực cho rằng, cả năm có thể tăng 2%, đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam năm nay có nhiều biến động. Thậm chí, đây có thể coi là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam năm nay.
Về diễn biến tăng tỷ giá từ nửa cuối tháng 11 trở lại đây, nhiều chuyên gia nhận xét chủ yếu do nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm và tác động tâm lý của việc USD tăng giá trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cũng lưu ý, tỷ giá những ngày còn lại của năm 2016 và trong năm 2017 sẽ vẫn chịu nhiều áp lực lớn và khó dự báo. Tình hình thế giới biến động khó lường, nhất là việc Tổng thống đắc cử Donald Trump liệu có điều hành nền kinh tế Mỹ theo đúng cam kết tranh cử hay không là khó đoán. Ngoài ra, khả năng FED có thể điều chỉnh tăng lãi suất 2 - 3 lần trong năm 2017 cũng sẽ tác động đến diễn biến tỷ giá trong nước năm tới. Tuy vậy, theo ông Lực, năm tới Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn cố gắng điều hành và can thiệp để tỷ giá không bị biến động quá mạnh, một mặt vẫn đảm bảo tính thị trường, một mặt không để tác động lớn đến vĩ mô (lãi suất, xuất nhập khẩu, hoạt động của doanh nghiệp…).
Ông Cấn Văn Lực dự báo, tỷ giá cả năm 2017 có thể tăng từ 2 - 3% trong điều kiện cung - cầu ngoại tệ ổn thỏa như năm nay. Đây là mức khả thi, có thể chấp nhận được và không tác động lớn đến vĩ mô.