Sẽ minh bạch, chặt chẽ trong quản lý vốn ODA

(BĐT) - Việc quản lý, giám sát các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời gian tới sẽ công khai, minh bạch hơn. Việc giải quyết thủ tục của các dự án ODA cũng sẽ nhanh hơn để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ nguồn vốn này.
Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ ban hành định hướng sử dụng, thu hút vốn ODA trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên
Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ ban hành định hướng sử dụng, thu hút vốn ODA trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên

Quy trình thường kéo dài do chất lượng hồ sơ chưa tốt

Tại phiên chất vấn ngày 31/10 của Quốc hội, nhiều đại biểu dành sự quan tâm và chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đặt vấn đề, có ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, có đến 90% dự án ODA mất thời gian phê duyệt trung bình là 6 tháng.

Về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quy trình, thủ tục sử dụng nguồn vốn ODA được thiết kế hết sức chặt chẽ gồm 4 bước: đề xuất dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư; cuối cùng là ký kết hiệp định và triển khai dự án. Bốn bước này đều phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Khi bắt đầu ký hiệp định triển khai dự án mới phát sinh chi phí nên toàn bộ khâu chuẩn bị dự án là không phát sinh chi phí.

Trên thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, quy trình này sẽ phức tạp hơn bởi bên cạnh quy trình ở trong nước thì còn phải thực hiện các yêu cầu, quy định của nhà tài trợ nước ngoài, do đó quy trình trong một dự án thường kéo dài hơn. Thời gian chuẩn bị dự án không phải chỉ 6 tháng mà hiện trung bình khoảng 2 - 3 năm, có những dự án lớn, phức tạp phải đến 5 năm mới có thể xong được quy trình này.

“Chúng ta chuẩn bị dự án càng kỹ, càng tốt, chất lượng càng cao thì khi triển khai thực hiện càng nhanh, càng hiệu quả và không làm phát sinh thêm chi phí, đó là yêu cầu và cũng là thông lệ của quốc tế” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chính phủ đang hướng tới tăng cường khâu chuẩn bị dự án để khi Việt Nam ký hiệp định thì lúc đó mới bắt đầu phát sinh chi phí (đó là phí lãi vay và phí cam kết).

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong các bước và về mặt thủ tục thì chất lượng hồ sơ còn chưa tốt, thiếu, chưa đầy đủ, giải trình nhiều lần. Các bộ, các cơ quan tham gia xử lý chưa nhanh, thiếu nhất quán và chưa rõ, chung chung nên khi tổng hợp để xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng làm mất thời gian.

Bộ KH&ĐT nhận trách nhiệm và sẽ rà soát, đôn đốc, làm sao giải quyết thủ tục minh bạch và nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn vốn này.

Minh bạch nguồn vốn và thu hút ODA có chọn lọc

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề, với quy trình chặt chẽ như trên, tại sao việc sử dụng vốn ODA vẫn không hiệu quả? Đại biểu này nêu dẫn chứng: Dự án Nhà máy Xử lý rác thải ở Đồ Sơn, TP. Hải Phòng đã trả nợ được 200 tỷ đồng vốn ODA của Hàn Quốc rồi, còn 200 tỷ đồng nữa, nhưng công nghệ xử lý rác thải từ nguồn vốn ODA này lại không hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ chuẩn bị ban hành định hướng sử dụng, thu hút vốn ODA trong thời gian tới. Theo đó, định hướng thu hút vốn sẽ theo hướng những vấn đề doanh nghiệp tư nhân trong nước làm được, công nghệ trong nước có thì sẽ không khuyến khích sử dụng và thu hút vốn ODA nữa, mà sẽ khuyến khích doanh nghiệp trong nước thực hiện. Vốn ODA sẽ dành cho phát triển công nghệ cao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, một trong những bất cập xung quanh việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA là vấn đề chất lượng lập dự án của đơn vị tư vấn. Đơn vị tư vấn chất lượng chưa tốt, còn bị lồng ghép ý chí của nhà tài trợ hoặc của các nhà thầu vào dự án đề xuất. Do đó, các cơ quan khi xem xét dự án cần hết sức thận trọng.

Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT cũng có phương án công khai minh bạch hơn nữa thông tin về các dự án ODA. Ngoài vấn đề về thể chế, còn có vấn đề thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị hồ sơ, chủ đầu tư và các cơ quan xem xét, xử lý.

“Liên quan đến nguồn vốn ODA, không phải chỉ có Bộ KH&ĐT mà có vai trò của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác. Bộ KH&ĐT cùng với các bộ sẽ cố gắng để thực hiện nhanh, thuận lợi hơn, minh bạch hơn nhưng vẫn đảm bảo thận trọng theo quy trình pháp luật quy định” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục