Tổng giá trị tài sản tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công ngày 31/12/2019 là gần 1,4 triệu tỷ đồng. Ảnh: Internet |
Bộ Tài chính cho biết, đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công và triển khai xây dựng tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Tổ chức xác định số lượng xe ô tô được sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và xử lý số xe dôi dư theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ; rà soát danh mục mua sắm tập trung để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc mua sắm tập trung tài sản công, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Công tác cập nhật, chuẩn hoá dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được thực hiện tương đối đầy đủ. Tổng giá trị tài sản tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công ngày 31/12/2019 là 1.398.748 tỷ đồng (tài sản là quyền sử dụng đất: 890.558 tỷ đồng; nhà: 365.967 tỷ đồng; ô tô: 25.420 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản: 116.545 tỷ đồng).
Về hạ tầng giao thông đường bộ, đã cập nhật vào Danh mục tài sản 54.136 tuyến đường. Công trình nước sạch nông thôn tập trung đã cập nhật 15.275 công trình. Các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công đã thực hiện mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý số tiền thu được từ xử lý tài sản công.
Bên cạnh những việc đã làm được, theo ông Tuyến, vẫn còn một số điểm cần khắc phục. Đó là, việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, làm ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản công.
Nguyên nhân chủ yếu là các quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo chưa được ban hành nên các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Ngoài ra, do số lượng máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích trụ sở chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp nhiều, chủng loại đa dạng, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu khác nhau nên việc tổng hợp, xây dựng tiêu chuẩn, định mức chưa được triển khai kịp thời.
Ông Tuyến cho rằng, trong thời gian tới, để công tác quản lý, sử dụng tài sản công và NSNN hiệu quả, thực chất hơn, cần thực hiện một số giải pháp.
Trước hết là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm chống lãng phí (THTKCLP) tại các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tổ chức THTKCLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số nội dung.
Đó là, thực hiện mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, công khai, minh bạch. Kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới; quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Hoàn thành việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng.
Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, đảm bảo từng bước có đầy đủ thông tin về tài sản công. Thí điểm xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công theo hình thức đối tác công tư (PPP) để thực hiện các giao dịch về tài sản công trực tuyến.