Nhiều nhân sự đại diện vốn nhà nước của SCIC tại các doanh nghiệp lo... thất nghiệp khi đơn vị này thoái vốn. Ảnh: Tường Lâm |
Ông Lai cho rằng, người đại diện vốn nhà nước của SCIC tại các DN hiện nay chịu rất nhiều thiệt thòi. Lương thưởng của những vị trí này tương đối thấp, chỉ được động viên bằng… lời nói. Thù lao nhận từ DN cho việc quản lý cũng được nộp lại Nhà nước theo đúng quy chế. Chưa hết, với chủ trương thoái vốn nhà nước tại các DN, những đại diện này đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Hàng nghìn “đơn đặt hàng” nhân sự cấp cao
Câu chuyện của ông Lê Song Lai đặt ra một dấu hỏi về trình độ nhân sự cấp cao khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cụ thể là những đại diện vốn nhà nước của SCIC tại các DN. Nhân sự cấp cao (quản lý trung và cao cấp) trên thực tế lúc nào cũng khan hiếm.
Trao đổi với Báo Đấu thầu về thị trường nhân sự cấp cao, đại diện Navigos Search cho biết, đơn vị này nhận được hàng ngàn “đơn đặt hàng” nhân sự cấp cao từ các DN mỗi năm. Đây là vị trí hầu như luôn “nóng” và không dễ đáp ứng. Thậm chí, một số nhân sự cấp cao được nhiều tổ chức “săn đầu người” (head hunter) cùng nhắm tới. Các tổ chức này thậm chí phải cạnh tranh gay gắt để có được một nhân sự giỏi cho khách hàng.
Theo thống kê của Navigos Search, trong quý III/2016, đơn vị này đã tuyển dụng giúp các DN nhiều nhân sự trung và cao cấp với mức lương từ 100 - 195 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng vị đại diện đơn vị này thừa nhận chưa từng nhận được “đơn đặt hàng” nào từ các DNNN hoặc các DN vốn nhà nước chiếm đa số. Khách hàng của Navigos Search thường là các công ty tư nhân hoặc DN nước ngoài. “Có lẽ họ (DNNN) lựa chọn kênh tuyển dụng khác, hoặc có cách tuyển dụng khác”, đại diện Navigos Search nhận định.
Mâu thuẫn
Trên thực tế, những vị trí chủ chốt, là hình ảnh của một DN lâu nay vẫn không dễ để thay thế. Như trường hợp của Vinamilk, ông vua ngành sữa này được gắn với tên tuổi của nữ tướng Mai Kiều Liên. Đến nay bà Liên đã 63 tuổi, nhưng vị trí của bà vẫn chưa có ai thay thế.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, các DN do SCIC nắm vốn chi phối thường hạn chế về sự minh bạch thông tin. Về những lợi ích mà một lãnh đạo DN có thể nhận được, đặc biệt ở một DN thiếu minh bạch, ông Hải cho biết, đó là hoa hồng mua bán, quản lý và hình thành các công ty vệ tinh...
Cơ chế quản lý công khai, minh bạch sẽ giảm thiểu những lợi ích nói trên, đồng thời công sức của cán bộ quản lý sẽ được chi trả sòng phẳng bằng các khoản lương, thưởng. Điều này lý giải việc nhiều lãnh đạo kêu khổ nhưng vẫn không muốn rời ghế. Cũng lý giải việc lương lãnh đạo DN tư nhân, DN nước ngoài cao hơn hẳn so với mặt bằng chung.
Tính đến cuối tháng 9/2016, SCIC đã bán vốn thành công tại 928 DN, với giá vốn 6.199 tỷ đồng và thu về 14.675 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn lên tới gần 8.500 tỷ đồng. Đây là kết quả không thể phủ nhận của việc thoái vốn. Thế nhưng, nếu nhìn chỉ trong 9 tháng đầu năm, SCIC mới chỉ thoái vốn khỏi 54 DN trong khi số DN được giao thoái vốn trong năm là 120. Việc chậm thoái vốn của SCIC đương nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng phải chăng một trong những nguyên nhân là những đại diện vốn nhà nước của cơ quan này lo… thất nghiệp?