Siết ‘cát tặc’ và mối lo bão giá cát tái phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND TP.HCM vừa có một loạt chỉ đạo liên quan đến tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn biển Cần Giờ. Cùng với động thái quyết liệt này, UBND Thành phố cũng yêu cầu siết chặt hoạt động cung cấp cát cho các nhà thầu tại các dự án quy mô lớn của Thành phố. Những tác động này có thể làm giá cát biến động tăng như năm 2017, khiến nhiều nhà thầu lo lắng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Lập chuyên án chống “cát tặc”

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng mạnh tay xử lý tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ.

Theo đó, UBND Thành phố giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh giáp ranh lập chuyên án triệt phá các tổ chức, cá nhân, băng nhóm khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ.

Đồng thời, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công an Thành phố, UBND quận, huyện tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng dọc trên các tuyến sông, các phương tiện thủy tham gia vận chuyển cát; kiến nghị xử lý nghiêm các đổi tượng vận chuyển, kinh doanh cát không có nguồn gốc hợp pháp.

Sở TN&MT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Công an Thành phố tiến hành làm việc với UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rà soát, thống kê thông tin tất cả các mỏ cát xây dựng, mỏ cát san lấp, trữ lượng được phép khai thác... Việc này là nhằm làm cơ sở truy xuất nguồn gốc, phục vụ công tác xử lý hành vi hợp pháp hóa hóa đơn, chứng từ của đối tượng kinh doanh, vận chuyển và sử dụng cát từ nguồn gốc khai thác trái phép.

Ngoài ra, Sở Tư pháp rà soát các luật, nghị định, đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ hoặc các bộ ngành bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật, đảm bảo chặt chẽ để có biện pháp chế tài, hình thức xử lý nghiêm chủ các phương tiện thủy giao phương tiện của mình tham gia vào hoạt động khai thác cát trái phép.

Đặc biệt, UBND TP.HCM giao cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các nhà thầu cung cấp cát cho các dự án có quy mô lớn, trước mắt kiểm tra các dự án sử dụng 50.000 m3 cát trở lên. Nếu phát hiện nhà thầu và chủ đầu tư sử dụng cát không có nguồn gốc hợp pháp, xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Trước đó không lâu, Thành phố đã chỉ đạo triển khai Dự án Nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia đoạn từ tim luồng Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu.

UBND TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp xác định rõ quy mô nạo vét, vị trí đổ bùn và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xin ý kiến chấp thuận vị trí đổ bùn trước khi triển khai Dự án. UBND TP.HCM nêu rõ: “Thời gian thực hiện nạo vét từ 6h - 18h, không được thi công vào ban đêm” khi triển khai 2 dự án nạo vét luồng đường thủy nói trên. Đây được coi là dấu chấm hết cho các hoạt động “hút cát về đêm” tại TP.HCM.

Nhà thầu dự báo kịch bản xấu

Một loạt chỉ đạo nói trên cho thấy UBND TP.HCM đang thực thi nhiều biện pháp “rắn” để đảm bảo an toàn hàng lang đường sông, biển cũng như hạn chế tình trạng “cát tặc”, cát lậu. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đối với các nhà thầu xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đã khác trước rất nhiều, do đó, các nhà thầu xây lắp ngay khi nhận được thông tin này đã bày tỏ nhiều lo lắng.

Cơn bão giá cát trong quý II/2017 đã xác lập đỉnh giá mới của cát xây dựng. Cụ thể, chỉ trong tháng 4/2017, giá cát xây dựng đã tăng gấp 3 so với trước.

Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, giá cát xây tô ở mức 400.000 đồng/m3, giá cát san lấp vọt lên mức 230.000 đồng/m3, cát bê tông tăng hơn gấp đôi, lên đến 440.000 đồng/m3. Thậm chí có thời điểm giá cát đạt ngưỡng 510.000 đồng/m3 đối với cát vàng xây tô loại 1.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng TP.HCM, báo cáo về giá vật liệu xây dựng (cụ thể là cát) mới nhất của tháng 7/2020, đạt 370.000 đồng/m3. Đây là báo giá của Công ty CP Đồng Tân, sử dụng cát từ nguồn Bãi cát Trị An (Cát số 1): Thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; Bãi cát Cây Gáo (Cát số 3): ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; Bãi cát Phú Cường (Cát số 2): ấp Bên Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai và Bãi cát La Ngà (Cát số 4): xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Như vậy, sau cơn bão giá cát của năm 2017, các nhà thầu xây dựng đã phải chấp nhận giá cát ở mức… tiệm cận loạn giá, tức 370.000 đồng/m3 từ hơn hai năm nay. “Điều này đồng nghĩa với chi phí cho các hạng mục xây dựng, đặc biệt là các công trình san lấp, công trình giao thông của các nhà thầu xây dựng trên địa bàn TP.HCM đã tăng lên rất nhiều từ hai năm nay. Nay với hàng loạt biện pháp mạnh tay của UBND TP.HCM, chúng tôi sợ kịch bản bão giá cát tiếp tục tiềm ẩn bùng phát. Và đối tượng trở tay không kịp đầu tiên chính là nhà thầu”, một nhà thầu xây dựng thủy lợi cho biết.

Tin cùng chuyên mục