Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 18/2019/NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực từ 1/1/2020 với một số điểm mới đáng chú ý.
Theo đó, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Tỷ lệ giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính sẽ giảm mạnh theo lộ trình, từ 70% hiện nay xuống chỉ còn 30% vào năm 2024. Cụ thể, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021 là 70%; từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023 là 50%; từ ngày 1/1/2024 còn 30%.
Bên cạnh đó, Thông tư mới sẽ điều chỉnh hoạt động thu hồi nợ khi quy định rõ thời gian, số lần, đối tượng nhắc nợ. Trong đó, công ty tài chính chỉ được nhắc nợ với người nợ thay vì thông tin đến cả những người liên quan cá nhân vay nợ như thời gian qua.
Một điểm đáng chú ý tại Thông tư 18 là quy định yêu cầu hoạt động của các công ty tài chính phải công khai, minh bạch. Trong đó, lãi suất, các loại phí, hồ sơ vay vốn, phương pháp tính lãi sẽ được công khai. Công ty tài chính cũng phải trả lời khiếu nại của khách hàng.
Theo giải trình của Ban soạn thảo Thông tư, việc tách hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng (chủ yếu là các đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hoá, bán hàng trả góp...) và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay để giúp kiểm soát tốt hơn hoạt động cho vay tiêu dùng. Bởi thực trạng cho vay tiêu dùng của nhiều công ty tài chính tại Việt Nam khi giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay thường có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Quang Tín cho rằng, quy định này sẽ đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh và hiệu quả hơn.
“Tuy nhiên, việc giải ngân trực tiếp hay gián tiếp không hẳn là điểm có tính quyết định, quan trọng nhất là các công ty tài chính trước khi cho vay phải thẩm định được khả năng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng. Quản trị rủi ro là gốc rễ của vấn đề mà các công ty tài chính cần đặc biệt quan tâm để xây dựng quy trình phù hợp và hiệu quả”, ông Tín phân tích thêm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng BIDV, các nội dung mới tại Thông tư 18 vừa ban hành đã được NHNN lấy ý kiến của thị trường từ trước với lộ trình thực thi không quá gấp gáp. Mặt khác, các công ty tài chính cũng có sự chuẩn bị cần thiết cho lộ trình này nên việc thực thi từ năm 2020 không hẳn sẽ gây “sức ép”.
“Thực tế, hiện nhiều công ty tài chính đã hạn chế dần giải ngân trực tiếp. Tuy nhiên, cần tiếp tục giảm theo lộ trình, đến mức hoàn toàn không giải ngân trực tiếp cho khách vay”, ông Lực cho biết.
“Các nội dung khác tại quy định mới này về việc không giải ngân cho khách hàng còn nợ xấu tại CIC, không được đe dọa với khách vay nợ và các quy định cụ thể về số lần nhắc nợ đều rất cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, các quy định này không thể thực thi hiệu quả nếu thiếu hoạt động giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng”, ông Lực đánh giá.