Siết quản lý doanh nghiệp sau thành lập

(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), khung pháp lý về quản lý doanh nghiệp (DN) sau đăng ký thành lập đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế còn có hiện tượng DN sau thành lập đã lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hòng gian lận trốn thuế.
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp để gian lận trốn thuế
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp để gian lận trốn thuế

Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc cung cấp thông tin, phối hợp quản lý DN. Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, nhiều thủ tục về thành lập, kinh doanh, tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản DN… đã được đơn giản và giảm thiểu. “Điều này đã tạo thuận lợi đáng kể cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, văn bản nêu rõ.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thời gian qua xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng này để thành lập nhiều DN hoạt động hoặc lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản DN để gian lận trốn thuế, chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Dẫn số liệu thống kê, báo cáo của Tổng cục Hải quan về DN hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trong 2 năm 2015 - 2016, Bộ Tài chính chỉ rõ, có 49 DN có thời gian hoạt động XNK dưới 1 năm kể từ ngày đăng ký thành lập có thông báo tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; 1.043 DN bỏ địa chỉ kinh doanh và không còn hoạt động XNK trong thời hạn 6 tháng trở lên (tính từ thời điểm hoạt động XNK lần cuối); 15.379 DN không có hoạt động XNK từ 6 tháng trở lên mà không thông báo với cơ quan chức năng về việc tạm ngừng, ngừng hoạt động trong khi đó thông tin của DN trên hệ thống là “đang hoạt động”.

Ngày 28/5/2015, Liên bộ Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính - Nội vụ đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV hướng dẫn quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập. Tiếp đó, ngày 23/2/2016, Liên bộ Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC  hướng dẫn quy trình trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp xử lý đối với DN từ khi bắt đầu thành lập đến trong quá trình hoạt động, làm căn cứ để cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thực hiện kết nối, trao đổi thông tin đăng ký và quản lý DN trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin...
Đặc biệt, có 24 DN vi phạm bị cơ quan hải quan phát hiện, ban hành quyết định ấn định thuế, yêu cầu DN nộp bổ sung tiền thuế. Tuy nhiên, để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, các DN này đã bỏ địa chỉ kinh doanh, thông báo giải thể, phá sản hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động. Một số DN điển hình trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ thuế là: Công ty TNHH Phát triển thương mại Phú Phát nợ thuế là 4,893 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Nhật Tân nợ thuế 3,119 tỷ đồng; Công ty TNHH Văn Thịnh nợ thuế 1,494 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Trọng nợ thuế 5,14 tỷ đồng; Công ty TNHH A Khôn nợ thuế 1,5 tỷ đồng…

Cũng tại Văn bản gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thành lập, quản lý khắc phục tình trạng DN gian lận như nêu trên. Trong thời gian chưa xây dựng được quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin, để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ DN,  Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT cử đơn vị đầu mối phối hợp với Tổng cục Hải quan định kỳ hoặc thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình DN tạm ngừng, giải thể, phá sản (bao gồm cả trường hợp chờ hoàn tất thủ tục); thông tin về DN bỏ địa chỉ kinh doanh và phối hợp xử lý các vấn đề liên quan.

Về vấn đề nêu trên, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, đến nay, khung pháp lý về quản lý DN sau thành lập đã hoàn thiện và chặt chẽ, góp phần tạo thuận lợi cho DN yên tâm sản xuất, kinh doanh. Hiện tượng DN XNK nợ thuế, bỏ trốn bắt nguồn từ những hạn chế, yếu kém trong thực thi chính sách. Một số cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý DN sau thành lập chưa làm tốt trách nhiệm của mình.

Tin cùng chuyên mục