Các ngân hàng thương mại còn nhiều dư địa để đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, thị trường TPDN có sự phát triển nhanh. Đến cuối tháng 9/2020, quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 13% GDP năm 2019 (tăng 2,15% so với mức 10,85% GDP thời điểm cuối năm 2019), vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trong bối cảnh luật pháp hiện hành không cấm các nhà đầu tư riêng lẻ không có khả năng phân tích được đầu tư vào TPDN, còn quy định mới về việc chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia mua và giao dịch TPDN (trong Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp) thì đến ngày 1/1/2021 mới có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN, có hiệu lực từ 1/9/2020.
Nghị định số 81/2020/NĐ-CP bổ sung một số điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm doanh nghiệp phát hành không chia nhỏ các lô trái phiếu để bán cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời tăng cường công khai, minh bạch thông tin để nhà đầu tư cá nhân nắm bắt trước khi quyết định đầu tư, cũng như giới hạn khối lượng, khoảng cách giữa các đợt phát hành.
Thị trường TPDN hạ nhiệt rõ rệt trong 2 tháng qua khi các quy định mới về siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu tại Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Theo thống kê của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), giá trị TPDN phát hành trong tháng 10 đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, giảm 39,4% so với tháng 9 và giảm tới 90% so với tháng cao điểm là tháng 8/2020.
KBSV dự báo hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ trong 2 tháng cuối năm sẽ không có nhiều biến động mạnh, các doanh nghiệp cần huy động vốn nhiều khả năng sẽ quay trở lại kênh tín dụng. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng 10 tháng qua chỉ ở mức 6,2%, thấp hơn nhiều so với con số định hướng khoảng 10% cho cả năm nay của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, các ngân hàng thương mại còn nhiều dư địa để đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, các doanh nghiệp cần huy động vốn sẽ quay trở lại với kênh tín dụng khi các điều kiện phát hành TPDN bị siết chặt hơn.
Những doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn qua kênh TPDN sẽ phải chuyển sang hình thức phát hành ra công chúng. Tuy nhiên, hoạt động này khó tăng mạnh do phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 75/2004/TT-BTC hướng dẫn việc phát hành trái phiếu ra công chúng. Trong đó, điều kiện phát hành là doanh nghiệp phải kinh doanh có lãi (lợi nhuận sau thuế năm liền trước là số dương, không có lỗ lũy kế đến thời điểm phát hành). Ngoài ra, các quy định về hồ sơ phát hành và công bố thông tin khắt khe hơn phát hành riêng lẻ, các bước thực hiện cũng tốn thời gian hơn.
Trước diễn biến như vậy, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành, các thành viên thị trường xây dựng Nghị định quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, trong đó có nội dung quy định về chào bán TPDN ra công chúng. Dự thảo 2 nghị định này đang được trình Chính phủ ban hành, kỳ vọng sẽ tạo khung khổ pháp lý đồng bộ để phát triển thị trường TPDN.
Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành, các thành viên thị trường xây dựng Nghị định quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, trong đó có nội dung quy định về chào bán TPDN ra công chúng.