Đến cuối tháng 1/2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước là 31,56%, của các ngân hàng thương mại cổ phần là 32,94%. Ảnh: Lê Tiên |
Cần thiết và lộ trình phù hợp
Trước 1/1/2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được giới hạn ở mức 50%. Tỷ lệ này xuống 45% kể từ 1/1/2018 và 40% kể từ 1/1/2019.
Giới hạn này được đề xuất tiếp tục giảm dần theo các năm tại Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Mức thấp nhất là 30% có thể áp dụng từ 1/7/2021 hoặc 1/7/2022.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đề xuất này được đưa ra trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN về tỷ lệ này và số liệu kinh tế vĩ mô, diễn biến tình hình kinh tế trong năm 2018 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, đã nghiên cứu định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, chủ trương về phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2025, tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thống kê của NHNN cho biết, đến cuối tháng 1/2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là 31,56% và của các NHTM cổ phần là 32,94%. Con số này tương đương với tỷ lệ của những năm qua. Như vậy, tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn chỉ còn cách giới hạn 30% của Dự thảo một khoảng không lớn. Mặt khác, việc giảm tỷ lệ này theo lộ trình từng năm cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng chuẩn bị nguồn lực, cơ cấu nguồn vốn để tuân thủ quy định này.
Bình luận về động thái này của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng nói: “Tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn ở các nước phát triển chỉ ở mức khoảng 20%. Tỷ lệ này của hệ thống ngân hàng Việt Nam đáng ra nên được giảm xuống từ những năm trước, nhưng việc thực hiện những bước đi thận trọng là cần thiết cho các NHTM và cả nền kinh tế. Thực tế, các ngân hàng đã và đang đối phó với rủi ro kỳ hạn bằng cách huy động vốn qua các chứng chỉ tiền gửi dài hạn hoặc một số công cụ khác”.
Cũng theo ông Tín, việc điều chỉnh tỷ lệ này chỉ là một trong các công cụ của chính sách tiền tệ có thể áp dụng một cách hiệu quả, không mang tính gượng ép, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng công cụ này khi nhận thấy rủi ro kỳ hạn ở mức cao.
Khó vẫn phải làm
Về tác động với nền kinh tế và hoạt động của các ngân hàng, theo Ban soạn thảo, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế.
Đồng thời, cách làm này thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các phương thức huy động vốn khác như: phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài...
Cũng từ góc độ đa dạng hóa nguồn vốn nêu trên, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Từ phía doanh nghiệp, đây là cách buộc các doanh nghiệp vận động nội lực mạnh mẽ hơn để tham gia thị trường tài chính, qua đó huy động nguồn vốn từ trái phiếu và cổ phiếu thay vì chỉ dựa vào vốn vay. Làm được như vậy, thị trường tài chính sẽ ngày càng lành mạnh hơn”.
Về hoạt động của các ngân hàng, ông Ánh cho rằng, đây cũng là cách để các ngân hàng tái cơ cấu nguồn vốn nhằm giảm thiểu rủi ro kỳ hạn, mặt khác, quy định như vậy góp phần thúc đẩy việc phân loại cách thức kinh doanh của ngân hàng rạch ròi theo hướng cho vay thương mại và cho vay đầu tư.
Thay đổi về cách thức huy động và sử dụng nguồn vốn không hẳn là dễ dàng với ngân hàng. Từ phía doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp phát hành cổ phiếu và trái phiếu còn hạn chế. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ lệ khoảng 98% tổng số doanh nghiệp hiện nay. Do đó, bước ngoặt thay đổi về huy động và sử dụng nguồn vốn như trên sẽ buộc cả ngân hàng và doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ. “Dù khó thì cũng phải làm vì chẳng còn cách nào khác”, ông Vũ Đình Ánh bình luận.