Sóc Trăng: Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư cảng Trần Đề

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cảng biển Trần Đề là dự án quan trọng hàng đầu trong danh mục kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng được tổ chức vào cuối tháng 4/2022. Dự án được quy hoạch có quy mô tầm cỡ quốc tế, tạo đột phá không chỉ cho tỉnh Sóc Trăng mà cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cảng Trần Đề sẽ là cảng nước sâu cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Cảng Trần Đề sẽ là cảng nước sâu cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, cảng Trần Đề là dự án ưu tiên có vốn đầu tư dự kiến hơn 50.000 tỷ đồng, được định hướng quy hoạch nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ thuận lợi đến các cảng và đầu mối logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Địa điểm thực hiện Dự án thuộc địa bàn huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu với vị trí địa lý: Bắc giáp rạch Bãi Giá, Nam giáp cửa sông Mỹ Thanh, Đông giáp đường Nam sông Hậu, Tây giáp biển.

Dự án này sẽ được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, huy động từ doanh nghiệp (với phần lớn kết cấu hạ tầng của cảng như: luồng tàu, đê chắn sóng và cầu vượt biển kết nối từ bờ ra cảng). Đây là dự án có quy mô và kinh phí đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật cao, thời gian nghiên cứu dài và đã được Bộ Giao thông vận tải đưa vào danh mục ưu tiên để nhà đầu tư có cơ sở nghiên cứu đầu tư.

Cảng biển Trần Đề dự kiến có diện tích khu cảng khoảng 550 ha, với cầu cảng vượt biển dài 16 km. Ngoài ra, còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha…

Cơ sở pháp lý để triển khai Dự án căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 1/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về ban hành danh mục kêu gọi đầu tư quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025; Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, cảng Trần Đề nằm trong quy hoạch để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 với quy mô có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 DWT, tàu hàng rời đến 160.000 DWT.

Cảng biển Trần Đề dự kiến có diện tích khu cảng khoảng 550 ha, với cầu cảng vượt biển dài 16 km. Ngoài ra, còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng, nhà đầu tư tham gia phát triển Dự án sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhà đầu tư còn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Miễn thuế trong thời hạn 5 năm (kể từ khi bắt đầu sản xuất) đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất. “Công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch cho Dự án sẽ được Sóc Trăng ưu tiên, tháo gỡ ngay những vướng mắc của nhà đầu tư trong các thủ tục này”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cam kết.

Tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư vào Dự án.

Tuy nhiên, để Dự án thực sự hấp dẫn, theo Bộ Giao thông vận tải, quan trọng hàng đầu vẫn là chất lượng của quy hoạch chi tiết cảng biển Trần Đề cũng như báo cáo nghiên cứu khả thi. “Đây là giai đoạn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông tầm cỡ cũng như việc hình thành mở rộng các khu công nghiệp. Do đó, yếu tố kết nối khu vực của cảng phải đặt lên hàng đầu vì mục tiêu của cảng chính là lưu thông vận chuyển hàng hóa phục vụ doanh nghiệp. Cảng biển Trần Đề chỉ phát huy được giá trị khi kết nối được với các dự án đường bộ, đặc biệt là cầu Đại Ngãi sắp triển khai”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Tin cùng chuyên mục