Cổ phiếu sàn UpCOM tăng dữ dội hôm nay. |
Cơn lốc tìm kiếm cổ phiếu đầu cơ đang bùng phát trên sàn UpCOM. Chỉ số đại diện sàn này gần như vô nghĩa hôm nay khi chỉ tăng 0,76%, như có tới 92 mã kịch trần. Cũng cần lưu ý là biên độ tăng tối đa của UpCOM là 15% một ngày.
Cổ phiếu trên UpCOM ít được chú ý, chủ yếu vì ít thông tin và thanh khoản kém. Tuy vậy khoảng từ tháng 8 đến nay, giá trị khớp lệnh bình quân hàng ngày cũng đã vượt mốc 1.500 tỷ đồng. Hôm nay thanh khoản sàn này lên tới 2.681,5 tỷ đồng.
Ấn tượng hơn là sàn này có 92 cổ phiếu tăng kịch trần, gấp nhiều lần con số 28 mã ở sàn HoSE và 17 mã ở sàn HNX. Kỳ diệu hơn là biên độ tăng 15% mỗi ngày đem lại lợi nhuận cực nhanh.
Hầu hết các cổ phiếu kịch trần ở UpCOM đều có dư mua giá trần, nghĩa là mất thanh khoản bên bán. Do đó giao dịch có thể nhiều hơn nữa nếu người cầm cổ chịu bán ra. Sàn này cũng nổi tiếng với mức thanh khoản thấp, nhưng hôm nay khá nhiều mã giao dịch cả chục tỷ đồng. Tiêu biểu là PVX khớp 49,2 tỷ, giá tăng 14,71%; SIP khớp 29,1 tỷ giá tăng 10,16%, LMH khớp 20,1 tỷ giá tăng 14,49%, SSN khớp 14,4 tỷ, giá tăng 14,08%...
Dĩ nhiên mức giao dịch này tương đối nhỏ đối với các nhà đầu tư vốn từ trung bình trở lên. Mặt khác điều kiện để các quỹ giao dịch cũng không phù hợp với cổ phiếu trên UpCOM. Tuy nhiên đối với các nhà đầu cơ cá nhân, biên độ của sàn này có sức hấp dẫn rất lớn vì xét cho cùng cũng chỉ là câu chuyện giá tăng bao nhiêu. Phương thức giao dịch của UpCOM về cơ bản cũng không khác gì HNX hay HoSE.
Quay lại với hai sàn niêm yết, nhóm cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ vẫn là những mã tăng giá mạnh nhất phiên này. Sau phiên xả đột biến hôm 3/11 vừa qua, nhóm này phục hồi rất nhanh. VNSmallcap hôm nay tăng 1,11% với 120 mã tăng/52 mã giảm, trong đó 19 cổ phiếu kịch trần. Midcap cũng tăng 1,18% với 53 mã tăng/13 mã giảm, trong đó 4 mã kịch trần.
Trong khi đó VN30 lại chỉ tăng 0,23% dù có 17 mã tăng/11 mã giảm. Chỉ có 9 mã trong rổ này tăng hơn 1%. Đó là nguyên nhân khiến VN-Index cũng chỉ tăng 0,56% hôm nay.
GAS tăng cực mạnh 4,53% vẫn là trụ đỡ chính cho cả VN-Index lẫn VN30-Index. Đây cũng là blue-chips hiếm hoi còn tăng mạnh trong buổi chiều. Chốt phiên sáng GAS tăng 1,62%. Dù vậy thanh khoản của GAS khá mờ nhạt, chiều nay chỉ giao dịch thêm 86,9 tỷ đồng, nâng tổng cả phiên lên gần 160,7 tỷ đồng. PLX ngược lại, chiều nay suy yếu hơn hẳn phiên sáng, đóng cửa chỉ còn tăng 2,28% so với tham chiếu trong khi cuối phiên sáng đã tăng 3,04%.
So sánh giá nhóm blue-chips VN30 thì chiều nay đa số cổ phiếu có tiến triển. Đó là lý do giúp VN30-Index kết phiên tăng 0,23%, tốt hơn thời điểm cuối phiên sáng (giảm 0,13%). Tuy vậy mức tăng hầu hết rất nhẹ. Ngoài GAS, các mã có tiến triển giá xuất sắc nhất là CTG tăng thêm 1,08% so với thời điểm cuối phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 0,31%; HPG tăng thêm 1,25%, chốt tăng 0,53%; PDR tăng thêm 1,17%, chốt tăng 1,28%; PNJ tăng thêm 4,34%, chốt tăng 3,85%. Có thể thấy ngay cả ở các mã mạnh nhất, phần lớn cũng chỉ là đảo chiều từ diễn biến giảm trước đó.
Thanh khoản chiều nay khá đuối, hai sàn niêm yết chỉ khớp thêm gần 12.494 tỷ đồng, giảm 21% so với phiên sáng. Giao dịch yếu khiến cả phiên thanh khoản giảm 6,6%, đạt 28.249 tỷ đồng. Dù vậy, tuần này hai sàn vẫn xác lập kỷ lục về giá trị khớp lệnh, đạt trung bình 34.411 tỷ đồng mỗi ngày. Mức giao dịch này đã vượt qua tuần kỷ lục giữa tháng 8 vừa qua.
Khối ngoại có phiên cuối tuần mua ròng tốt 226,5 tỷ đồng trên HoSE và khoảng 7 tỷ trên HNX. HPG được mua ròng mạnh nhất với 121,4 tỷ đồng. Nhóm GAS, CTG, DXG, VCI từ 30-40 tỷ đồng ròng. Phía bán có VIC xấp xỉ 61 tỷ, VHM khoảng 56 tỷ. Các mã SSI, TPB, DGC, MBB, CMX từ 20 tỷ đồng tới gần 40 tỷ đồng.