“Soi” chất lượng tăng trưởng FDI 7 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến 20/7/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,82 tỷ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 7, Việt Nam đã thu hút được 3,15 tỷ USD vốn đăng ký mới,
điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 79,8% so với
cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Tháng 7, Việt Nam đã thu hút được 3,15 tỷ USD vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Đây có thể xem là một thành tích của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động nặng nề của Covid-19. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng.

Có thể dễ dàng nhìn thấy điểm sáng FDI 7 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam qua những số liệu đã được Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Cụ thể, tính đến 20/7/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,82 tỷ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đăng ký mới là 1.620 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 9,46 tỷ USD.

Riêng tháng 7, Việt Nam đã thu hút được 3,15 tỷ USD vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 76,2% so với tháng 6/2020 và chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư thu hút được trong 7 tháng.

Mặc dù một số kết quả giảm sút so với cùng kỳ năm 2019, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đã, đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, thì thu hút FDI trong 7 tháng qua có thể coi là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, theo một số tổ chức trên thế giới, FDI năm nay của toàn thế giới sẽ không quá 1.000 tỷ USD, tức chỉ bằng 60% so với mức đỉnh điểm FDI toàn cầu đã từng đạt được (khoảng trên 1.800 tỷ USD). Liên hợp quốc, trong một báo cáo cách đây chưa lâu, còn đưa ra nhận định FDI tại các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ giảm khoảng 30 - 45% trong năm nay vì đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh thế giới như trên, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, trào lưu dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc và một số nước khác sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam. “Nếu đón được dòng vốn đang hoạt động dịch chuyển từ Trung Quốc thì dịch Covid-19 cũng không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam trong vấn đề thu hút FDI”, ông Mại nhìn nhận.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Mại, kết quả thu hút FDI trong 7 tháng đầu năm 2020 mới đạt được về số lượng, còn chất lượng vẫn chưa đạt yêu cầu và tồn tại ba nhược điểm.

Thứ nhất, trừ một vài dự án lớn, trong đó có một dự án 4 tỷ USD (Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu), còn lại đa số là dự án có giá trị từ 1 - 1,5 triệu USD. “Dự án 1 - 1,5 triệu USD mà là các dự án về dịch vụ còn có thể chấp nhận được, còn công nghiệp thì không thể chấp nhận”, ông Mại nói và cho biết, nhiều người cho rằng có những dự án công nghệ tương lai 1 - 1,5 triệu USD, nhưng trong thời đại hiện nay, những công nghệ tương lai như AI (trí tuệ nhân tạo) với nguồn vốn trên thì không thể thực hiện được. Dự án năng lượng sạch thì càng không thể thực hiện bằng số vốn quá nhỏ bé như vậy.

Theo phân tích của ông Nguyễn Mại, hiện Việt Nam có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp, trong đó hàng nghìn doanh nghiệp Việt có khả năng bỏ vài triệu USD để đầu tư dự án như nhiều nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư. Do vậy, những thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội nhất quyết không nên thu hút những dự án có số vốn quá nhỏ.

Nhược điểm thứ 2 về thu hút FDI trong 7 tháng đầu năm nay là vắng bóng những dự án công nghiệp tương lai, hiện đại. Cụ thể, theo ông Mại, nếu quan sát kỹ những dự án ở Hà Nội, TP.HCM, chưa có dự án FDI nào gọi là công nghiệp tương lai. Đơn cử năm trước Hà Nội có một dự án về thành phố thông minh 4 tỷ USD do Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) góp vốn dù Dự án vẫn chưa triển khai. Tuy nhiên, năm nay, chưa có dự án nào khả dĩ là dự án công nghiệp tương lai.

Cuối cùng, nhược điểm thứ ba, theo ông Nguyễn Mại là Việt Nam chưa đưa ra ưu đãi để thích ứng với trình độ phát triển của các tỉnh, thành phố. Do vậy, vị chuyên gia này gợi ý, cách tiếp cận FDI nên chia thành các nhóm tỉnh thành có trình độ phát triển khác nhau để thu hút những nhóm dự án FDI khác nhau. Nhất là các tỉnh, thành phố phát triển, đã có nhiều kinh nghiệm thì cần thu hút các dự án FDI quy mô lớn, dự án tương lai (Big Data, AI, Fintech…) có sự lan tỏa và kích hoạt các doanh nghiệp trong nước.

Tin cùng chuyên mục