Sôi động đàm phán gia hạn trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP BCG Energy vừa có thông báo gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán hơn 70 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu của lô trái phiếu EBCCH2124002. Đồng thời, Công ty cho biết đang chuẩn bị phương án đàm phán với nhà đầu tư về thời hạn thanh toán mới. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đang tích cực đàm phán với trái chủ kéo dài thời hạn thanh toán trong bối cảnh áp lực đáo hạn lớn vào cuối năm.
Nguồn: Báo cáo của VBMA
Nguồn: Báo cáo của VBMA

Loạt doanh nghiệp xin giãn nợ trái phiếu

Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho biết, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành (TCPH) và trái chủ diễn ra sôi động trong quý III/2023. Tính đến ngày 3/10/2023, hơn 50 TCPH đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ. Các TCPH này đã có báo cáo chính thức lên HNX. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95,2 nghìn tỷ đồng.

Theo tổng hợp của phóng viên, hoạt động gia hạn kỳ hạn các lô trái phiếu diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2 đã tổ chức hội nghị người sở hữu trái phiếu vào cuối tháng 10/2023 để thống nhất lùi thời gian đáo hạn lô trái phiếu quy mô 116,5 tỷ đồng thêm 1 năm, từ ngày 27/10/2023 sang 27/10/2024.

Trước đó, trong tháng 2/2023, VINA2 đã tổ chức hội nghị người sở hữu trái phiếu và thống nhất lùi thời gian đáo hạn lô trái phiếu trên thêm 1 năm vào ngày 27/10/2023. Ngoài nợ gốc, Công ty cam kết chi trả phần lãi phát sinh, được tính bằng 150% lãi suất công bố (11,5%/năm).

Chưa thể thanh toán khoản gốc trái phiếu 750 tỷ đồng và khoản lãi hơn 22,2 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh đã có báo cáo lên HNX cho biết, người sở hữu trái phiếu đã thông qua phương án gia hạn thanh toán số tiền gốc 750 tỷ đồng từ ngày 28/9/2023 sang ngày 31/12/2023.

Hay như trường hợp của Công ty CP Kita Invest, công ty này đã có thông báo lên HNX về việc thay đổi thời gian đáo hạn lô trái phiếu ký hiệu KITA.BOND2020.03 (tổng giá trị lưu hành 400 tỷ đồng) từ ngày 5/11/2023 sang ngày 5/5/2025 (tăng thêm 18 tháng). Trước đó, Kita Invest cũng đã thay đổi kỳ hạn lô trái phiếu KITA.BOND2020.07 (200 tỷ đồng) và lô trái phiếu KITA.BOND2020.08 (195,629 tỷ đồng) từ ngày 30/7/2023 sang ngày 30/7/2024.

Theo ước tính của VIS Rating, giá trị trái phiếu chậm trả gốc, lãi sẽ chạm mốc 195 nghìn tỷ đồng vào cuối năm nay. Phần lớn các trái phiếu chậm trả đến từ các ngành đang gặp khó khăn là bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo, đặc biệt tập trung vào một vài nhóm doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Tính đến cuối tháng 9/2023, khoảng 60% số trái phiếu chậm trả gốc, lãi đang được đàm phán khắc phục theo các phương án được quy định trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP. VIS Rating kỳ vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều TCPH chủ động đàm phán trước với trái chủ để tránh rơi vào tình trạng chậm trả gốc, lãi.

Áp lực đáo hạn lớn cuối năm

Theo ước tính của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 10/2023, các doanh nghiệp đã mua lại lượng trái phiếu trước hạn là 13.645 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 2 tháng cuối năm 2023, VBMA ước tính sẽ có khoảng 41.009 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, có 16 mã trái phiếu chậm trả lãi, gốc với tổng giá trị khoảng 1.006 tỷ đồng và 47 mã trái phiếu được gia hạn/thay đổi lãi suất. 40% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn trong 2 tháng cuối năm thuộc nhóm bất động sản với hơn 15.631 tỷ đồng, tiếp đến là nhóm ngân hàng với 7.530 tỷ đồng (chiếm 19%).

Tính đến ngày 3/10/2023, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu theo thông báo của HNX. Thời gian qua, một số doanh nghiệp có thông báo về việc chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, trong đó có Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Đất xanh Miền Nam, Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản S-Homes…

Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024” ngày 22/11, ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm thuộc Khối thông tin tài chính của FiinGroup nhận định, môi trường kinh doanh có thể tiếp tục khó khăn, hiệu quả doanh nghiệp phục hồi chậm sẽ dẫn đến gia tăng rủi ro cho các trái chủ, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản và năng lượng do triển vọng kinh doanh kém.

Cũng tại Hội thảo, Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuận cho rằng, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn lớn trong năm 2024 và là một phần rủi ro của thị trường tài chính và nền kinh tế. Về dài hạn, để nhà đầu tư quay lại với thị trường trái phiếu, cần nhiều nỗ lực từ TCPH, cơ chế chính sách cũng như sự minh bạch thông tin.

Tin cùng chuyên mục