Sớm có cơ chế để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào điện gió

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam vừa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng nghĩa với việc năng lượng tái tạo phải chiếm tới 80 - 90% nguồn phát điện. Cam kết này đã mở ra cơ hội lớn cho phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Dù vây, nhiều nhà đầu tư vẫn không khỏi băn khoăn trước những bất cập, khoảng trống về chính sách, nhất là giá điện.
Cả nước có 106 dự án điện gió đang được triển khai đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD, tổng công suất 5.655 MW. Ảnh: Bùi Văn Thịnh
Cả nước có 106 dự án điện gió đang được triển khai đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD, tổng công suất 5.655 MW. Ảnh: Bùi Văn Thịnh

Hiện tại, cả nước có 106 dự án điện gió đang được triển khai đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD, tổng công suất 5.655 MW. Tính đến ngày 1/11/2021, 69 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 3.298 MW đã được công nhận vận hành thương mại (COD). 37 nhà máy điện gió còn lại chưa được công nhận COD và đang hoàn thiện xây dựng, lắp đặt và tiến tới được thẩm định để đóng điện, hòa lưới điện.

Tuy nhiên, vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là các dự án nêu trên cùng với những dự án điện gió hình thành trong thời gian tới sẽ áp dụng giá mua điện, vận hành dự án, truyền tải điện và phân phối như thế nào?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lo lắng của nhà đầu tư là do quy định về giá ưu đãi cố định (giá FIT) mua điện gió tại Quyết định 39 2018/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ ngày 31/10/2021 (điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh, tương đương 2.223 đồng và trên bờ là 8,5 cent một kWh, tương đương khoảng 1.927 đồng). Các nhà đầu tư hiện vẫn chưa rõ cơ chế, chính sách áp dụng sau thời hạn 31/10/2021 sẽ ra sao?

Tại một cuộc tọa đàm về đầu tư điện gió diễn ra mới đây, ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Bộ Công Thương đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đối với các dự án điện gió, trong đó có xem xét phương án đề xuất áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá điện trong thời gian tới.

“Chúng tôi hy vọng cơ chế đấu thầu sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, giúp EVN mua đủ điện theo yêu cầu, đúng thời điểm và có giá cạnh tranh. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trong Liên minh châu Âu, trong quá trình đấu thầu, nếu nhà đầu tư nào cần ít tiền hỗ trợ của Chính phủ nhất thì sẽ thắng thầu. Cơ chế này sẽ tăng độ minh bạch, cạnh tranh hơn cơ chế giá FIT”, ông Khoa chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo, thực hiện theo lộ trình, các bước cụ thể. Trong đó, xác định khối lượng cần đầu tư xây dựng các dự án điện theo từng năm, từng vùng, từng miền để tránh tập trung đầu tư quá lớn tại một vài địa điểm, gây quá tải cho hệ thống truyền tải.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty CP Hạ tầng Gelex đề xuất, khi xây dựng chính sách về đầu tư điện gió, cần phân chia theo từng phân khúc rủi ro như: phân khúc rủi ro cao nhưng biên lợi nhuận cao, phân khúc rủi ro an toàn nhưng biên lợi nhuận thấp…, kể cả trường hợp không đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Ông Long cho rằng, cái khó của nhà đầu tư điện gió là yêu cầu vốn lớn (lên tới hàng chục tỷ USD), sử dụng công nghệ kỹ thuật mới, thời gian kéo dài, nhiều rủi ro mạo hiểm, cho nên phải vừa làm vừa sửa. Ở góc độ cơ quan quản lý, nhiều vấn đề còn mới, chưa rõ, quy định chính sách hiện tại còn bất cập, nên phải hoàn thiện dần dần.

“Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Chính phủ phải thực sự quyết tâm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cũng như thể hiện rõ thiện chí trong việc tìm cách giải quyết, tháo gỡ khó khăn nhanh cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án, giúp nhà đầu tư nhìn thấy được hiệu quả của đồng tiền bỏ ra”, ông Long nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Cường, Chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các nhà đầu tư điện gió là vấn đề khảo sát, thủ tục xin cấp phép dự án. Hay như phản ánh của ông Trịnh Đức Trường Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Viên An Cà Mau, thời gian để bàn giao mặt bằng nước thường kéo dài tới 4 - 5 tháng, phải xin ý kiến của nhiều bộ ngành khác nhau… “Để rút ngắn thời gian, các dự án điện gió ngoài khơi trên 6 hải lý có thể phân cấp cho các địa phương, thay vì phải xin ý kiến cấp trung ương như hiện nay”, ông Sơn đề xuất.

Tin cùng chuyên mục