Luật PPP có nhiều điểm mới thể hiện rõ bản chất đối tác công - tư và thể hiện sự cam kết của Chính phủ đồng hành với nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên |
Luật PPP có nhiều điểm mới sẽ tháo gỡ những vướng mắc, rào cản đối với thực hiện dự án PPP, củng cố niềm tin để nhà đầu tư, định chế tài chính mạnh dạn tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn của đất nước. Nhiều điểm mới của Luật như vốn nhà nước trong dự án PPP; lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; huy động vốn của doanh nghiệp dự án; kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP… được đánh giá rất cao, thể hiện rõ bản chất đối tác công - tư và tôn trọng nguyên tắc thị trường, hài hòa lợi ích và thể hiện sự cam kết của Chính phủ đồng hành với nhà đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), sẽ có 3 nghị định hướng dẫn Luật gồm Nghị định hướng dẫn chung về PPP, Nghị định hướng dẫn Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định hướng dẫn cơ chế về quản lý tài chính dự án PPP. Bộ KH&ĐT được giao chủ trì soạn thảo 2 nghị định đầu tiên và Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Nghị định hướng dẫn cơ chế về quản lý tài chính dự án PPP.
Ngày 25/8/2020, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Luật PPP và xin ý kiến thảo luận về các nghị định hướng dẫn Luật PPP.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, gợi mở một số nội dung lớn mà cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến để hoàn thiện các dự thảo nghị định. Ví dụ như đối với cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, một trong những điều kiện được chia sẻ là do thay đổi về quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan làm giảm doanh thu. Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định đặt vấn đề, hiểu thế nào là thay đổi chính sách vì một số chính sách không được ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật nhưng có ảnh hưởng đến doanh thu của các dự án PPP, phải làm rõ nội hàm thuật ngữ “chính sách” tại cấp Nghị định hay để cấp có thẩm quyền xem xét đối với từng trường hợp cụ thể? Hay trường hợp nào thì chấm dứt hợp đồng? Vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP theo cơ chế nào, tách thành 1 dự án độc lập hay hòa chung vào dự án? Lĩnh vực, quy mô đầu tư dự án PPP phân chia ra sao, mức tối thiểu như thế nào để vừa đảm bảo thu hút tối đa, hiệu quả nguồn vốn tư nhân, vừa tránh đầu tư tràn lan, phân tán nguồn lực nhà nước tham gia vào các dự án…
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, cần quy định thêm các trường hợp chấm dứt hợp đồng do lỗi của phía Nhà nước, như chậm góp phần vốn nhà nước tham gia vào dự án, không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, không cho đặt trạm thu phí… Thực tế đây là vấn đề đang tồn tại trong thực tiễn nhưng chưa có lời giải, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Đại diện Bộ Xây dựng thì góp ý cơ chế chấm dứt hợp đồng cần làm rõ trường hợp nào chấm dứt không phải bồi thường và trường hợp nào chấm dứt phải bồi thường, trách nhiệm các bên, nếu phía Nhà nước phải bồi thường thì nguồn ở đâu? Nội hàm thay đổi chính sách phải làm rõ, cấp nào quyết định thay đổi chính sách mới được áp dụng...
Về lĩnh vực, quy mô, nhiều ý kiến đề nghị quy định mức tối thiểu đối với một số lĩnh vực phù hợp để tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư. Cần hướng dẫn chi tiết hơn về “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ theo hợp đồng”; có cơ chế và công thức tính bồi thường…
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống cho biết, Bộ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, triển khai tích cực hoàn thiện các nghị định hướng dẫn được giao chủ trì soạn thảo. Sau khi có Dự thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi theo quy định, nỗ lực cao nhất để nghị định có thể ban hành kịp thời…
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà đầu tư mong muốn hệ thống văn bản dưới Luật PPP sẽ tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở thống nhất và đồng bộ. Các cơ quan tại địa phương cũng sẽ thấu hiểu nội dung Luật này, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Đồng thời, cần có quyết tâm vượt qua rào cản ngại khó khăn, phức tạp, vượt qua cả nỗi sợ hãi vì trước kia có những dự án PPP không được như mong đợi. Những quy định tốt của Luật, nghị định chỉ phát huy hiệu quả nếu tổ chức thực thi tốt. Trong đó, người thực thi cần tư duy cởi mở, lựa chọn dự án đủ khả thi, mang lại lợi nhuận phù hợp, rủi ro chấp nhận được, đủ sức hấp dẫn để làm PPP.