Sớm nhận diện và xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nợ xấu là một trong những rủi ro đáng lưu tâm với nền kinh tế trong năm 2021. Do đó, một số khuyến nghị được đưa ra là cần sớm ban hành kế hoạch giải quyết nợ xấu, nhận diện rõ và không cho phép gánh nặng nợ xấu đe dọa sự ổn định của khu vực ngân hàng, gây áp lực đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên trên 2% tổng dư nợ. Ảnh: Nhã Chi
Đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên trên 2% tổng dư nợ. Ảnh: Nhã Chi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2020, nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp thu hồi nợ được các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện đạt kết quả tích cực.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, từ tháng 8/2020, tỷ lệ này bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ trên mức 2%. Đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%. Dù vậy, theo NHNN, đây là tất yếu khách quan, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, NHNN đang triển khai tổng kết Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống các TCTD, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, rủi ro nợ xấu cuối năm nay và năm 2021 là vấn đề luôn được ngành ngân hàng quan tâm. Do đó, từ giữa năm nay, ngành ngân hàng đã yêu cầu các đơn vị chức năng nhận diện rõ và đầy đủ về nợ xấu. Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là cần thiết nhưng toàn ngành quán triệt quan điểm là phải phân tích, đánh giá đúng, khoản nào có bản chất là nợ xấu thì phải đưa vào nhóm nợ xấu, không chần chừ. Từ đó, giám sát việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu để bảo đảm an toàn tài chính.

Đánh giá về kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, một trong những rủi ro đáng quan tâm là nợ xấu. WB khuyến nghị, cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ cần cảnh giác với những rủi ro đang gia tăng liên quan đến nợ xấu, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự ổn định của khu vực ngân hàng. Hiện vẫn còn những ngân hàng có tỷ lệ vốn hóa thấp. Hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định nguy cơ tiềm tàng ở từng ngân hàng và toàn bộ hệ thống. Các cấp có thẩm quyền cần thiết lập chiến lược rõ ràng nhằm chấm dứt các biện pháp hoãn nợ. Quá trình triển khai các biện pháp hoãn nợ có thể làm cho một phần nguy cơ dễ bị tổn thương của người vay và ngân hàng bị che khuất, vì vậy phải được theo dõi chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần xác định cơ chế rõ ràng để xử lý các ngân hàng yếu kém và có vấn đề.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đã đề nghị lãnh đạo các TCTD khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, đúc rút các bài học kinh nghiệm và chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 của tổ chức mình để sớm gửi NHNN xem xét phê duyệt và tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu trong năm 2021 và các năm tiếp theo theo chỉ đạo của NHNN.

Đồng thời, mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh và bảo đảm tốc độ tăng trưởng theo đúng chỉ tiêu NHNN giao. Tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tin cùng chuyên mục