Sửa Luật Đấu thầu: Phân cấp nhưng phải chặt chẽ, tránh lạm quyền, tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuối tuần qua, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nhiều ý kiến thảo luận quan tâm đến việc sửa đổi Luật Đấu thầu, nhất là những điểm sửa đổi, bổ sung rất mới của Luật liên quan đến phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục.
Luật Đấu thầu được sửa đổi theo hướng trao quyền cho chủ đầu tư được tự quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, trách nhiệm giải trình. Ảnh: Lê Tiên
Luật Đấu thầu được sửa đổi theo hướng trao quyền cho chủ đầu tư được tự quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, trách nhiệm giải trình. Ảnh: Lê Tiên

Tạo cơ chế chủ động gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát trong đấu thầu

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) thống nhất việc sửa đổi quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tháo gỡ nút thắt nhiều năm qua, đặc biệt là các cơ sở y tế.

Đối với đề xuất bổ sung quy định để tạo cơ chế chủ động cho chủ đầu tư trong việc áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, việc giao quyền cho chủ đầu tư mà không chặt chẽ và thiếu cơ chế giám sát đồng bộ, hiệu quả sẽ dễ dẫn đến lạm quyền, phát sinh nhiều tiêu cực, kẽ hở.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với việc mở rộng chỉ định thầu, vì nhiều trường hợp có giảm giá để tiết kiệm thời gian mà vẫn bảo đảm hiệu quả. Nhưng đồng thời, cần có quy định phạt thật nặng nếu nhà thầu được chỉ định làm kém chất lượng.

Dù cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật, nhưng Đại biểu Dương Khắc Mai (Đăk Nông) cũng đề nghị cần phân định rõ vướng mắc nguyên nhân nào do khâu tổ chức thực hiện, nguyên nhân nào do Luật để có xử lý phù hợp.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm về cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp bất thường, đột biến đối với gói thầu xây lắp tại Dự thảo Luật. Trong giai đoạn vừa qua, có tới gần 10% số lượng gói thầu xây lắp chào giá thấp bất thường, dưới 20% giá gói thầu dẫn đến nhiều hệ lụy như đấu thầu xong không làm được, chậm tiến độ, một số dự án vẫn đang phải xử lý hậu quả. Vì thế, phải kiểm soát vấn đề này, trên cơ sở xây dựng lại định mức, đơn giá cho phù hợp, có quy định để xử lý được trường hợp cố tình bỏ thầu giá thấp bất thường.

Luật Đấu thầu được sửa đổi, bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp bất thường, đột biến đối với gói thầu xây lắp. Ảnh: Tiên Giang
Luật Đấu thầu được sửa đổi, bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp bất thường, đột biến đối với gói thầu xây lắp. Ảnh: Tiên Giang

Cải thiện tiến độ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mới

Làm rõ một số vấn đề về Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến với tinh thần sửa Luật là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục, quy trình, khắc phục các hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu về hiệu quả cao, đẩy nhanh tiến độ gói thầu, dự án. Theo đó, Dự thảo Luật quy định trao quyền cho chủ đầu tư được tự quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không được làm tăng tổng mức đầu tư, trách nhiệm giải trình; mở rộng hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ gói thầu, dự án. Đồng thời bổ sung hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với những gói thầu này, bảo đảm phù hợp với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Sửa đổi, bổ sung phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, gói thầu có công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành để lựa chọn nhà thầu có phương pháp kỹ thuật tối ưu, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khắc phục tình trạng mua công nghệ giá rẻ nhưng không bảo đảm chất lượng, gây lãng phí nguồn lực. Bổ sung các quy định để đơn giản hóa thủ tục, quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện.

Về đấu thầu thuốc, Dự thảo Luật tiếp tục sửa đổi để nâng cao chất lượng đấu thầu theo hướng trao quyền cho cơ sở y tế là đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 tự quyết định hoạt động mua sắm không sử dụng ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế đàm phán trực tiếp, giảm giá, áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu phù hợp với gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế…

Liên quan đến trường hợp nhà thầu chào giá thấp bất thường, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật sẽ yêu cầu trong trường hợp có giá thấp bất thường, nếu chứng minh được phù hợp với các quy định thì yêu cầu nhà thầu tăng cam kết bảo hành, bảo đảm thực hiện hợp đồng, phạt hợp đồng khi nhà thầu không đáp ứng được chất lượng, tiến độ, cụ thể hóa trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chuyên gia, các bên liên quan, quy định chế tài xử lý nghiêm khi vi phạm.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải đánh giá chất lượng thực hiện hợp đồng, chất lượng hàng hóa đã sử dụng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; đẩy mạnh đấu thầu điện tử… tăng minh bạch, công khai, hạn chế hành vi gian lận trong đấu thầu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật đã rà soát vướng mắc nào do Luật, vướng mắc nào do tổ chức thực hiện. Trong đó, những vướng mắc từ quy định của Luật như đối tượng áp dụng quá rộng, chưa bảo đảm quyền tự chủ, quy trình thủ tục còn rườm rà... là những vấn đề có thể bị lợi dụng và phát sinh tiêu cực vì lợi ích cá nhân hay cho những trường hợp sợ trách nhiệm, né trách nhiệm, cố tình kéo dài. Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tổ chức thực hiện, dù với quy định của Luật Đấu thầu hay luật nào, nếu tổ chức thực hiện không nghiêm túc thì quy định nào cũng có thể bị vượt qua.

Tin cùng chuyên mục