Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần rõ ràng cách tính mức giảm trừ gia cảnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cách tính giảm trừ gia cảnh làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân cần rõ ràng, phù hợp với biến động về mức sống của người dân, khuyến khích người nộp thuế có thu nhập chính đáng và công khai minh bạch. Đây là một trong những mục tiêu cần hướng đến khi xây dựng chính sách thuế thu nhập cá nhân.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế hiện không theo kịp thực tế đời sống. Ảnh: Song Lê
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế hiện không theo kịp thực tế đời sống. Ảnh: Song Lê

Bộ Tư pháp đang xây dựng Tờ trình về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được đề xuất nghiên cứu, rà soát và xem xét đưa vào nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong Chương trình năm 2023 - 2025. Cụ thể, Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng Luật Thuế TNCN (sửa đổi) thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Về định hướng sửa đổi, bổ sung, Dự thảo Tờ trình nêu, về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế bảo đảm nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.

Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, bảo đảm cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Nếu dự kiến đến 2026, Luật thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tới.

Luật thuế TNCN (áp dụng từ 1/1/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 1/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc sẽ phản ánh kịp thời những sự thay đổi về chi phí sinh hoạt của người nộp thuế tại thời điểm Luật thuế TNCN (sửa đổi), thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó, góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người nộp thuế TNCN.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), mức giảm trừ gia cảnh cần có căn cứ tính toán cụ thể để người nộp thuế thấy thỏa đáng. Để làm được như vậy, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về cách tính mức giảm trừ gia cảnh dựa trên các con số về thu nhập bình quân đầu người, nguồn dữ liệu và phương pháp tính chi tiêu cơ bản của người dân, cách tính thay đổi giảm trừ gia cảnh theo biến động của kinh tế - xã hội. Từ đó, xây dựng công thức tính cụ thể và điều chỉnh khi điều kiện phù hợp.

Bên cạnh đó, theo ông Minh, chính sách về thuế TNCN cần hướng tới việc điều tiết thu nhập trong xã hội thay vì hướng tới việc tăng thu ngân sách nhà nước. Mặt khác, cách tính cần đơn giản để tránh tình trạng thu được 10 đồng thuế của người dân, nhưng lại mất đến 10 đồng thuế cho bộ máy thực hiện thu.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng: “Mức giảm trừ gia cảnh cần đáp ứng nhu cầu chi tiêu tối thiểu của người dân, phản ánh đà tăng chi phí cuộc sống trong một giai đoạn. Các số liệu thu thập đầu vào làm căn cứ để xây dựng mức giảm trừ gia cảnh cần được công khai về nguồn thông tin; mức giảm trừ gia cảnh cần được tham vấn ý kiến của cơ quan đại diện người lao động như tổ chức công đoàn, các tổ chức nghiên cứu độc lập”.

Tin cùng chuyên mục