Sửa một số nghị định hướng dẫn Luật PPP: Nhận diện, tháo gỡ nhiều vướng mắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị định số 35/2021/NĐ-CP (NĐ 35), Nghị định số 28/2021/NĐ-CP (NĐ 28) và Nghị định số 69/2019/NĐ-CP (NĐ 69) vừa được Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung, trình trong tháng 9 năm nay. Việc sửa đổi, bổ sung những quy định tại các văn bản dưới luật, đồng thời nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, rào cản, thu hút thêm nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ công theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các nghị định liên quan tới thi hành Luật PPP sẽ tháo gỡ vướng mắc thực tiễn, tạo điều kiện thu hút vốn tư nhân đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên
Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các nghị định liên quan tới thi hành Luật PPP sẽ tháo gỡ vướng mắc thực tiễn, tạo điều kiện thu hút vốn tư nhân đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên

Tạo thuận lợi, tăng sức hút cho dự án PPP

Tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 35 và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và các biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất được tổ chức ngày 3/5, nhiều ý kiến từ địa phương nhận định, Luật PPP đã mang lại những kết quả tích cực, giúp việc thực hiện dự án PPP bài bản, tránh những hạn chế trước đây. Tuy nhiên, việc thực hiện các nghị định về đầu tư theo phương thức PPP còn một số vướng mắc, chưa đủ làm yên tâm, hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong đó, các vướng mắc chính được đề cập với NĐ 35 là quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu phải đáp ứng đối với dự án PPP lớn hơn so với thực tiễn và nhu cầu thu hút đầu tư của địa phương; quy định về việc cơ quan ký kết hợp đồng chỉ thanh toán tối đa 50% giá trị khối lượng đã hoàn thành đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư, không phát huy tính chất hỗ trợ của vốn nhà nước, dẫn đến không hấp dẫn nhà đầu tư; chưa đầy đủ quy định cho hợp đồng O&M...

Việc xử lý chuyển tiếp đối với dự án PPP được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành cũng còn những vướng mắc kéo dài, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, ách tắc dòng vốn, cản trở thu hút vốn cho dự án mới. Một số dự án PPP ký kết trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành nay cần sửa đổi, bổ sung (các điều khoản liên quan đến lãi vay, trách nhiệm thanh toán…) hoặc cần chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do nhiều nguyên nhân nhưng hợp đồng chưa quy định cụ thể các nội dung này. Với dự án BT chuyển tiếp, còn vướng mắc phát sinh từ quy định của pháp luật về thanh toán cho nhà đầu tư, do thiếu quy định để thực hiện ở nghị định hoặc quy định còn cách hiểu chưa thống nhất và vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, việc sửa đổi, bổ sung NĐ 35, đồng thời với NĐ 28, NĐ 69 là rất cần thiết để xử lý, tháo gỡ nhanh những vướng mắc thực tiễn thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại NĐ 35 sẽ tháo gỡ vướng mắc thực tiễn, tạo thuận lợi trong thực hiện các dự án. Trong đó, định hướng bãi bỏ hạn mức thanh toán tối đa 50%; việc thanh toán đối với công trình hoàn thành của tiểu dự án thực hiện theo tiến độ, lộ trình tổng thể của dự án PPP được thống nhất giữa cơ quan ký kết hợp đồng và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư dự kiến sửa đổi để tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, theo hướng trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư, yêu cầu về khả năng vốn chủ sở hữu, vốn vay được xây dựng trên cơ sở tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ và cam kết của nhà đầu tư về khả năng huy động vốn cho giai đoạn hoàn thiện. Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung để làm rõ nội hàm của dự án áp dụng loại hợp đồng O&M. Về quy mô đầu tư cũng sẽ có hướng dẫn phù hợp hơn.

Đối với điều khoản chuyển tiếp, Dự thảo Nghị định bổ sung một số quy định xử lý những vướng mắc thực tiễn còn kéo dài. Đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, chi phí lãi vay, lợi nhuận của nhà đầu tư trong thời gian chờ thanh toán (tính từ khi công trình dự án được xác nhận hoàn thành xây dựng) đã được quy định trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án thì được thanh toán, quyết toán theo quy định tại hợp đồng. Trường hợp dự án áp dụng loại hợp đồng BT có sự thay đổi về vị trí, diện tích, giá trị quỹ đất thanh toán dẫn đến thay đổi khoản nộp ngân sách nhà nước đã được đề xuất trong hồ sơ dự thầu thì cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng và nhà đầu tư thực hiện đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng để khấu trừ khoản chào nộp ngân sách nhà nước trên cơ sở đàm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

Với dự án PPP đã ký kết hợp đồng trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành cần thực hiện biện pháp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng hợp đồng đã ký không có điều khoản quy định cụ thể thì cho phép được thanh lý, chấm dứt hợp đồng trên cơ sở đồng thuận của các bên ký kết hợp đồng và bảo đảm lợi ích của Nhà nước...

Việc thực hiện các nghị định về đầu tư theo phương thức PPP còn một số vướng mắc, chưa đủ làm yên tâm, hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Tiên Giang

Việc thực hiện các nghị định về đầu tư theo phương thức PPP còn một số vướng mắc, chưa đủ làm yên tâm, hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Tiên Giang

Sửa đổi đồng bộ các nghị định

Bên cạnh NĐ 35, với NĐ 28, theo các địa phương, nhà đầu tư còn vướng mắc do chỉ tiêu phân tích, đánh giá phương án tài chính của dự án trong từng lĩnh vực chưa đầy đủ, dẫn đến lúng túng trong thẩm định tính khả thi về tài chính; quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP chưa đồng bộ và thống nhất với quy định tại Luật PPP... NĐ 69 quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chưa có quy định về điều kiện để cấp có thẩm quyền quyết định cho phép sử dụng khu đất đã giải phóng mặt bằng hoặc trụ sở cơ quan nhà nước giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT; thiếu quy định xử lý phần kinh phí nhà đầu tư đã ứng trước để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng...

Tại Công văn số 2966/VPCP-CN ngày 3/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với đề nghị của Bộ KH&ĐT về việc sửa đổi một số nghị định liên quan PPP. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 35, trình Chính phủ trong tháng 9/2024. Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 28 và NĐ 69; trình Chính phủ trong tháng 9/2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, toàn diện, giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án theo hình thức hợp đồng BT chuyển tiếp, đang triển khai dở dang, trong đó tăng cường phân cấp và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng BT.

Tin cùng chuyên mục