Ngân hàng Nhà nước muốn sửa một số quy định về ví điện tử. Ảnh: Internet |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39.
Về thời điểm đề xuất sửa đổi Thông tư 39, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ tài chính của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nói: “Theo chúng tôi được biết, NHNN đang trình Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 101) trong năm nay. Khi sửa đổi Nghị định 101, các văn bản hướng dẫn sẽ buộc phải có sửa đổi ở các nội dung liên quan. Thông tư 39 là một văn bản hướng dẫn Nghị định 101, do đó việc sửa đổi Thông tư 39 trước khi sửa Nghị định 101 là khá khó hiểu, vì nếu có ban hành Thông tư cũng chỉ có hiệu lực trong thời gian vài tháng tới”.
Dự thảo bổ sung Điều 6a với 5 nội dung cấm. Đó là: Sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Mua, bán, thuê, cho thuê, chuyển nhượng ví điện tử hoặc thông tin ví điện tử, mở hộ ví điện tử; Mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; Làm giả, tẩy xóa, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy phép; ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo giấy phép; Lợi dụng việc cung ứng dịch vụ được cấp phép để tổ chức hoặc tham gia thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.
Ban soạn thảo cho rằng, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị cấm nhằm ngăn chặn việc lợi dụng dịch vụ ví điện tử, giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tổ chức hoặc tham gia thực hiện các hoạt động rửa tiền, lừa đảo, gian lận và các hoạt động vi phạm quy định của pháp luật khác.
Nêu ý kiến về điều này, bà Nguyễn Thùy Dương cho rằng: “Nghị định 101 đã có quy định về các hành vi bị cấm tại Điều 6, trong đó có bao gồm những hành vi như: Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp. Các quy đinh này đã bao quát các hành vi Dự thảo bổ sung tại Điều 6a. Trong trường hợp Ban soạn thảo muốn quy định thêm điều cấm mới thì đây là việc sửa đổi, bổ sung nội dung Nghị định 101, nên đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ hợp lý hơn”.
Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung Điều 9 với quy định: Tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử này sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng trong một ngày và 100 triệu đồng trong một tháng.
Tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của tổ chức (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử này sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 100 triệu đồng trong một ngày và 500 triệu đồng trong một tháng.
Theo ban soạn thảo, Dự thảo Thông tư quy định cụ thể về việc sử dụng ví điện tử, hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức, nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.
Nêu ý kiến về nội dung này, bà Dương cho rằng, việc thanh toán bằng ví điện tử đã trở nên quen thuộc và được khách hàng tin tưởng trong các dịch vụ thường ngày.
“Hạn mức 20 triệu đồng là đủ đối với các giao dịch mua sắm hàng ngày, nhưng lại nhỏ so với các giao dịch như mua sắm thương mại điện tử (điện thoại iphone, máy tính, TV), du lịch (đặt chuyến đi cho cả nhà) hay thanh toán bảo hiểm nhân thọ. Đối với hạn mức doanh nghiệp, tùy theo ngành nghề, số tiền hạn mức cũng sẽ không đủ. Ví dụ, một công ty bảo hiểm muốn chi trả cho hàng ngàn nhân viên các khoản phí nhỏ hàng ngày, hàng tuần, thì con số 500 triệu đồng là không đủ”, bà Dương nói.