Việc nhanh chóng ban hành Thông tư hướng dẫn tái cấp vốn các khoản vay cho VNA là hết sức cần thiết. Ảnh: Internet |
Đó là góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Dự thảo Thông tư về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines (VNA) vay.
Theo VCCI, việc nhanh chóng ban hành Thông tư là hết sức cần thiết, tuy nhiên cần lưu ý là Nghị quyết 135/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết 194/NQ-CP của Chính phủ chỉ quy định việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng cho VNA vay nợ, nhưng không xác định rõ việc tái cấp vốn này là dành cho các khoản nợ trước hay sau khi Quyết định tái cấp vốn của Thủ tướng có hiệu lực.
Việc tái cấp vốn nếu áp dụng cho cả các khoản vay trước khi Quyết định có hiệu lực thì có thể sẽ nảy sinh bất cập. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2020, tính đến hết tháng 9/2020, VNA đang có nợ phải trả là 55.760 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn và dài hạn đều lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Số tiền này lớn hơn rất nhiều con số 4.000 tỷ mà NHNN dự định tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng. Điều 7 của Dự thảo Thông tư đang quy định nguyên tắc giải ngân là “đến trước được trước”. Nếu vào thời điểm Quyết định của Thủ tướng (hoặc Thông tư này) có hiệu lực, các tổ chức tín dụng đồng loạt nộp hồ sơ yêu cầu giải ngân cho cả những khoản vay trước đó thì sẽ nảy sinh vướng mắc không thực hiện được.
Để tránh hiểu nhầm gây vướng mắc trên thực tiễn, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xác định rõ việc tái cấp vốn chỉ dành cho các khoản vay phát sinh sau khi Quyết định tái cấp vốn của Thủ tướng có hiệu lực.
Trước đó, NHNN đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư về tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) vay và về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đó, tổng số tiền tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng; lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, áp dụng đối với thời hạn tái cấp vốn và thời hạn gia hạn tái cấp vốn.
Trong trường hợp nợ gốc quá hạn, mức lãi suất tái cấp vốn sẽ bằng 150% lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố trong từng thời kỳ tại thời điểm khoản tái cấp vốn được chuyển thành nợ quá hạn và không tính lãi đối với nợ lãi quá hạn.
Thời hạn tái cấp vốn sẽ áp dụng theo đề nghị của các ngân hàng, tối đa bằng thời hạn khoản cho vay của nhà băng theo Nghị quyết và không vượt quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc vòn lại nhưng tổng thời gian tái cấp vốn và các lần gia hạn sau không vượt quá 1.092 ngày.
NHNN sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng mà không cần tài sản bảo đảm; đồng thời dừng giải ngân khi đã giải hết số tiền quy định nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2021.
Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết quy định riêng những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA, trong đó giao NHNN thực hiện tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng cho VNA vay; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và xác định tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro phù hợp với các khoản cho vay của VNA theo các Nghị quyết nêu trên.
Đại hội cổ đông bất thường ngày 29/12/2020 của Vietnam Airlines cũng đã thông qua phương án vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng và chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để huy động thêm 8.000 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong nửa đầu năm 2021.