Giá vàng sẽ còn tăng?

Diễn biến giá vàng trở lại trang đầu của các trang tin kinh tế - tài chính sau các đợt tăng giá mạnh vừa qua. Có thời điểm, như chiều 25-6-2019, giá vàng SJC trong nước lên gần 40 triệu đồng/lượng, khi giá vàng thế giới lên 1.433 đô la Mỹ/ounce. Giá vàng thế giới đang phản ánh viễn cảnh tương đối bi quan về sức khỏe kinh tế Mỹ và toàn cầu, tâm lý tránh rủi ro và quan ngại sâu sắc về căng thẳng địa chính trị ngày càng phổ biến...
Xu hướng các Ngân hàng Trung ương trên thế giới mua vàng để dự trữ thay cho đô la Mỹ góp phần làm tăng nhu cầu với vàng vật chất. Ảnh minh họa: TTXVN
Xu hướng các Ngân hàng Trung ương trên thế giới mua vàng để dự trữ thay cho đô la Mỹ góp phần làm tăng nhu cầu với vàng vật chất. Ảnh minh họa: TTXVN

Giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất sáu năm qua và kéo giá vàng trong nước lên mức cao nhất sáu năm qua chỉ trong một tuần giao dịch.

Ngày 19-6-2019, giá vàng tăng nhẹ vào cuối phiên ở Mỹ và có thời điểm vượt qua 1.350 đô la Mỹ/ounce. Diễn biến cùng chiều với phiên Á - Âu ngày 20-6, giá vàng trong nước niêm yết lúc 15 giờ tăng lên 38,23-38,48 triệu/lượng (mua/bán), tăng khoảng 80.000-120.000 đồng so với buổi sáng.

Ngày 20-6, giá vàng thế giới tăng mạnh từ cuối phiên ở Mỹ, có thời điểm tăng lên 1.390 đô la Mỹ/ounce.

Ngày 21-6, giá vàng trong nước phiên sáng tăng mạnh và vượt qua mức 39 triệu đồng/lượng, tức là tăng hơn 600.000/lượng so với chiều ngày 20-6; sau đó, giá giảm về khoảng 38,6-38,9 triệu đồng/lượng vào phiên chiều. Giá vàng thế giới bước vào phiên ở Mỹ tiếp tục tăng mạnh, phá mức 1.400 đô la Mỹ/ounce và duy trì giao dịch trên 1.405 đô la Mỹ/ounce cho tới cuối phiên trong nước ngày 24-6.

Kể từ cuối tháng 5, giá vàng trong nước tăng khoảng 3 triệu đồng/lượng. Những biến động của vàng có thể được giải thích ngắn gọn là bởi sự yếu đi của đồng đô la Mỹ, song để có câu trả lời trọn vẹn hơn thì cần phải nhắc lại vị trí đặc thù của vàng.

Vàng có một vị trí đặc biệt trong nền kinh tế thế giới

Với Việt Nam, nền kinh tế hiện không ghi nhận lạm phát cao, các biến động giá vàng trong nước đơn thuần là mô phỏng biến động trên thị trường thế giới mà không xuất phát từ tâm lý phòng thủ, dự trữ.
Vàng là kim loại quý trong nhóm hàng thương phẩm (commodity) nhưng lại được đối xử như một loại tiền tệ, bất chấp vai trò thanh toán cổ xưa đã gần như biến mất. Chức năng dự trữ giá trị của vàng dần vượt xa chức năng hàng hóa. Bởi nhu cầu vàng vật chất cho các ngành sản xuất ít biến động bất thường, trong khi lượng cung không phản ứng ngay với giá (vì đặc thù của quá trình khai thác), giá vàng lên xuống trong ngắn hạn chủ yếu xuất phát từ thị trường tài chính. Nhu cầu về vàng thường tăng khi ngày một nhiều nhà đầu tư nhận định đồng đô la Mỹ sẽ suy yếu và/hoặc tránh rủi ro hay mức biến thiên của các tài sản sinh lời. Vàng thường là nơi trú ẩn cuối cùng trước và trong cơn suy thoái, do đó giá vàng có tính cảnh báo sớm về sức khỏe của kinh tế Mỹ và toàn cầu. Đây chính là lý do mà độc giả nên quan tâm bên ngoài cơ hội kiếm lời nhờ mua đi bán lại từ biến động giá.

Bối cảnh kinh tế thế giới tạo ra môi trường thuận lợi cho sự trở lại của vàng như một tài sản dự trữ và bảo vệ giá trị

Thứ nhất, dấu hiệu tăng trưởng kinh tế giảm tốc trên toàn cầu ngày càng rõ, đặc biệt tại các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, và dự báo của các định chế tài chính và cơ quan nghiên cứu cho thấy chiều hướng này còn duy trì sau năm 2020, khiến chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) ngày một thiên về nới lỏng hay tăng cung tiền. Do lượng cung vàng ít thay đổi trong khi cung tiền tệ có xu hướng tăng, vàng có xu hướng tăng giá so với các đồng tiền. Đáng lưu ý là giá vàng vận động từ khi thị trường kỳ vọng có thay đổi trong chính sách mà không cần đợi đến khi chính sách có hiệu lực. Đây là lý do vàng là một trong những chỉ báo dẫn dắt về chính sách tiền tệ nói chung, bên cạnh giá của các hợp đồng tương lai có tham chiếu tới lãi suất chính sách.

Thứ hai, bất trắc trong kết cục xung đột thương mại Mỹ -Trung tạo ra sự nghi ngờ về xu hướng của các đồng tiền và các tài sản sinh lời có rủi ro, trong bối cảnh đó thì vàng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tránh rủi ro. Đồng yen Nhật thường tăng giá mạnh mỗi khi đô la Mỹ yếu đi, song tính bất định về kết cục của cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn dành cho lãnh đạo chủ chốt của 20 nền kinh tế lớn (G20) tại Nhật Bản vào ngày 28 và 29-6 có thể khiến đồng yen Nhật biến động theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Euro, bảng Anh, đô la Úc và đô la New Zealand cũng có thể tăng giá, song NHTƯ các nền kinh tế này đang cân nhắc hoặc đã có những động thái chính sách có thiên hướng nới lỏng, gần nhất là NHTƯ Úc giảm lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm vào ngày 4-6. Các bất ổn chính trị ở Trung Đông cũng góp phần tạo ra cái mà ngân hàng ANZ gọi là “cơ hội hợp lý” để giá vàng tăng lên 1.500 đô la Mỹ/ounce.

Thứ ba, xu hướng các NHTƯ mua vàng để dự trữ thay cho đô la Mỹ góp phần làm tăng nhu cầu với vàng vật chất. Để phòng sự mất giá của đô la Mỹ và sự phụ thuộc vào các chứng khoán dài hạn bằng đô la Mỹ của tiền dự trữ, và tính cả sự căng thẳng trong quan hệ chính trị với Mỹ, nhiều NHTƯ đã giảm tỷ trọng tài sản bằng đô la Mỹ và tăng tỷ trọng của vàng.

Trong năm 2018, NHTƯ Nga mua thêm 273,4 tấn vàng và bán ra 86% lượng trái phiếu Mỹ. Tỷ trọng vàng trong dự trữ của Nga từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu tăng từ khoảng 3% vào năm 2008 lên 20% vào năm 2018. Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những động thái nhằm giảm phụ thuộc vào đô la Mỹ và hệ thống thanh toán dùng đô la Mỹ. Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy thanh toán thương mại quốc tế bằng nhân dân tệ. Kể từ tháng 1-2019, Trung Quốc đã nối lại việc mua vàng dự trữ lần đầu kể từ tháng 10-2016, mỗi tháng mua vào khoảng 500.000 ounce, nâng dự trữ vàng lên 61,61 triệu ounce (khoảng 1.916 tấn). EU tiến hành không sử dụng đô la Mỹ trong các giao dịch với Iran, đặc biệt là dầu mỏ, để tránh các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran sau khi đơn phương ra khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cuối cùng, trong môi trường như vậy, chất xúc tác khiến cho giá vàng biến động lớn cuối tuần qua là kết quả của cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Sau phiên họp ngày 19 và 20-6, Fed đã thay đổi quan điểm về xu hướng lãi suất và ngả theo hướng nới lỏng, làm tăng triển vọng đi xuống của đô la Mỹ. Diễn biến kinh tế Mỹ trong sáu tháng và quan ngại tác động từ chiến tranh thương mại tới khả năng đạt được các mục tiêu của chính sách tiền tệ đã khiến Fed quay ngoặt quan điểm, từ tăng lãi suất hai lần (phiên tháng 12-2018) sang giữ nguyên (phiên tháng 1-2019) và rồi ủng hộ giảm lãi suất sau phiên gần nhất. Dù nhiều nhà đầu tư trông đợi một bộ phận của FOMC (Ủy ban Thị trường mở liên bang) ủng hộ nới lỏng tiền tệ, không ai ngờ được có đến 8/17 thành viên thay đổi quan điểm và ủng hộ cắt giảm lãi suất ít nhất một lần ngay trong năm 2019. Chính sự điều chỉnh quá kỳ vọng này đã khiến giá vàng tăng lên mức cao nhất sáu năm qua. Giá các hợp đồng lãi suất tương lai phản ánh kỳ vọng Fed giảm lãi suất từ 2-3 lần trước cuối năm, và gần nhất có thể là tháng 7. Xu hướng giảm giá của đô la Mỹ được xác nhận, câu hỏi bỏ ngỏ là giá vàng sẽ tăng đến đâu.

Giá vàng thế giới đang phản ánh viễn cảnh tương đối bi quan về sức khỏe kinh tế Mỹ và toàn cầu, tâm lý tránh rủi ro và quan ngại sâu sắc về căng thẳng địa chính trị ngày càng phổ biến. Trong môi trường căng thẳng cao độ, các sự kiện có tính xúc tác như kết quả cuộc gặp tại G20 hay phản ứng của Mỹ với Iran có thể dẫn tới những biến động trái chiều trong giá vàng, tạo ra rủi ro với người tham gia đầu cơ.

Với Việt Nam, nền kinh tế hiện không ghi nhận lạm phát cao, các biến động giá vàng trong nước đơn thuần là mô phỏng biến động trên thị trường thế giới mà không xuất phát từ tâm lý phòng thủ, dự trữ. Tuy nhiên, ký ức của người dân về giai đoạn lạm phát cao vẫn còn tươi mới, đòi hỏi chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì thận trọng để cải thiện niềm tin vào tiền đồng và độ khả tín của nhà điều hành. 

Tin cùng chuyên mục