Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Đa dạng hóa nguồn cung, tạo đà phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc với tỉnh Ninh Thuận và thị sát địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vừa diễn ra, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện tái khởi động dự án. Việc khởi động lại Dự án trong bối cảnh hiện nay không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung ứng điện mà còn góp phần phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia… tạo đà đưa Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên mới.
Khu vực từng được quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Phú Lê
Khu vực từng được quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Phú Lê

Tại cuộc làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phát triển nguồn điện hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy chuyển địch xanh, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn và liên tục tăng cao.

Theo Tổng Bí thư, việc phát triển điện hạt nhân cũng là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia, tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.

Về vấn đề công nghệ, Đảng và Nhà nước sẽ lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để bảo đảm vận hành an toàn và hiệu quả, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai.

Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư chỉ đạo Ninh Thuận tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi động lại Dự án, nhất là công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện.

Tại cuộc làm việc, Bộ Công Thương khẳng định sẽ phối hợp với địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để rà soát và bổ sung quy hoạch liên quan đến dự án điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII; chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng và ban hành các hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi) với các cơ chế, chính sách cụ thể cho các dự án điện lực, trong đó có điện hạt nhân...

Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Thuận đồng thuận cao về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. “Ninh Thuận rất vinh dự được gánh một trọng trách quan trọng, là nơi bảo đảm an ninh năng lượng trong kỷ nguyên mới của đất nước”, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND Tỉnh phát biểu.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, chuyên gia năng lượng Phan Xuân Dương nhấn mạnh, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và phải triển khai càng sớm, càng tốt.

Theo ông Dương, nhu cầu điện cho phát triển rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, những lĩnh vực đòi hỏi nguồn năng lượng lớn và ổn định để phát triển. Hơn nữa, trong bối cảnh chuyển dịch xanh bao trùm toàn cầu, điện hạt nhân là một trong những nguồn năng lượng sạch, chi phí cạnh tranh, có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển mới.

Ngày 25/11/2009, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2 với tổng công suất 4.000 MW, trên diện tích 1.642 ha. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Ngày 25/11/2009, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2 với tổng công suất 4.000 MW, trên diện tích 1.642 ha. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Trước đó, trình bày về sự cần thiết phải bổ sung chính sách phát triển điện hạt nhân vào Luật Điện lực (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đến năm 2030, nhu cầu điện của Việt Nam gấp 2 lần công suất hiện nay, nhưng đến năm 2050 phải gấp 5 lần công suất điện hiện nay. Khi các nguồn điện truyền thống không có dư địa để phát triển nữa, thủy điện đã hết, điện than không phát triển được, năng lượng mặt trời cũng có giờ và nếu tính cả đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện thì cũng không rẻ hơn. “Điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có”, ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Chính (Hòa Bình) cũng cho rằng, việc bổ sung chính sách phát triển điện hạt nhân vào Luật Điện lực (sửa đổi) thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Các dự án điện hạt nhân bảo đảm cung cấp năng lượng sạch, dài hạn cho sản xuất, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi nguồn điện ổn định.

Để phát triển dự án điện hạt nhân, theo ông Phan Xuân Dương, cần những tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực từ con người cho tới tài chính, đối tác… Nhìn vào tình hình thực tế hiện nay, vị chuyên gia này cho rằng, việc khởi động lại dự án điện hạt nhân cũng có những thuận lợi nhất định. Đó là không phải mất thời gian để lựa chọn địa điểm đầu tư mới mà có thể triển khai luôn tại khu vực đã chọn trước đó, công nghệ điện hạt nhân cũng có những bước tiến bộ mới và đặc biệt là tiềm lực kinh tế vững chắc của Việt Nam…

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, những thách thức về nguồn cung ứng điện cho phát triển sẽ được hóa giải. Đây sẽ là một trong những điều kiện quan trọng để giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được các “đại bàng” công nghệ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Theo Bộ Công Thương, ngày 25/11/2009, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2 với tổng công suất 4.000 MW. Tổng mức đầu tư theo 3 kịch bản thấp 10,8 tỷ USD, cao là 11,2 tỷ USD và 12,2 tỷ USD, trên diện tích 1.642 ha tại 2 xã Phước Dinh, Vĩnh Hải.

Theo Nghị quyết 41 của Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể số 460 ngày 18/3/2010, chia dự án này thành 7 dự án thành phần, trong đó EVN được giao làm chủ đầu tư 6 dự án (chủ yếu là kỹ thuật, nhà máy) và tỉnh Ninh Thuận 1 dự án (di dân tái định cư).

Ngày 26/11/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ngày 25/11/2024 thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội ra nghị quyết tiếp tục thực hiện Dự án.

Tin cùng chuyên mục