Với việc Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm chính phủ theo CPTPP, nhà thầu Việt có cơ hội tham gia một “sân chơi” chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu. Ảnh: Tường Lâm |
Thị trường rộng lớn
Với Chương Mua sắm chính phủ (MSCP) trong CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm công, điều này đồng nghĩa với việc các nhà thầu Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tham gia và thắng thầu tại các gói thầu/dự án của tất cả các nước thành viên nội khối.
Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), khi mở cửa thị trường mua sắm chính phủ, Việt Nam có cơ hội, nhiều điều kiện để tiếp xúc với các thị trường MSCP của các quốc gia thành viên CPTPP. Chung góc nhìn này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cam kết của Việt Nam trong Chương MSCP nhằm tạo sự minh bạch trong hoạt động mua sắm công, bởi từ trước đến nay hoạt động mua sắm của chúng ta dù đã được đánh giá tích cực hơn, nhưng đâu đó vẫn còn lùm xùm gây quan ngại cho nhà đầu tư, nhà thầu làm ăn chân chính. “Đặc biệt, Hiệp định yêu cầu công khai thông tin về đấu thầu trên Báo Đấu thầu sẽ tạo cơ hội cho chủ đầu tư/bên mời thầu mua sắm được những hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý; các nhà thầu/nhà đầu tư có cơ hội thắng thầu để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trong sân chơi quốc tế”, ông Thắng bình luận.
Ở góc độ nhà thầu, ông Đỗ Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thiên Phúc nhìn nhận, cơ hội đang mở ra rất lớn với nhà thầu Việt, giúp cho doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh để có thể có cơ hội thắng thầu, mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh.
Còn đại diện Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình lại khá lạc quan khi cho rằng, những năm gần đây, ngành xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ quản lý lẫn kỹ thuật thi công và đã thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại ở những dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ, mỹ thuật cao, dự án “siêu sao”, tại thị trường trong nước. Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và các dịch vụ liên quan... Đó là những cơ hội quý để nhà thầu Việt có thể nắm được cơ hội từ CPTPP.
Băn khoăn về nội lực
Không thể phủ nhận cơ hội mà thị trường MSCP rộng lớn trong nội khối CPTPP mở ra, song đa số ý kiến tỏ ra băn khoăn về năng lực nội tại của nhà thầu Việt Nam. Ông Đỗ Văn Hiền nhìn nhận, các quốc gia thành viên CPTPP rất văn minh, nhà thầu của họ có năng lực rất tốt. Việt Nam vẫn thiếu các nhà thầu lớn, chủ yếu là các nhà thầu nhỏ với năng lực cạnh tranh hạn chế. Trong khi đó, môi trường đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự thuận lợi, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh khiến doanh nghiệp không thể lớn được hoặc không muốn lớn… “Những rào cản này sẽ cản bước nhà thầu Việt vươn ra biển lớn”, ông Hiền lo lắng và nhấn mạnh, để có lợi khi tham gia CPTPP, môi trường kinh doanh Việt Nam phải được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, các quốc gia thành viên CPTPP rất văn minh, họ sử dụng phương tiện, các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế tòa án. Do đó, chúng ta cần có nghiên cứu, chuẩn bị một lực lượng luật sư được đào tạo bài bản để luật sư của Chính phủ cũng như luật sư tự do, các nhóm tư vấn cho Chính phủ, các bộ ngành phải am hiểu sâu sắc các lĩnh vực mà chúng ta tham gia, mở cửa. Vì thế, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn tâm thế, lực lượng, trình độ, các tình huống khi chúng ta vướng mắc vào những vấn đề tranh chấp trong thương mại, đầu tư, đấu thầu… giữa các nước thành viên CPTPP.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, tinh thần của Chương MSCP trong một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh gắn với sự tham gia của khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, đòi hỏi quan trọng nhất của Chương này là vấn đề minh bạch thông tin.
Tại Việt Nam, thời gian qua, kể cả khung khổ pháp lý và vận hành trên thực tế hoạt động đấu thầu (mua sắm công) đã trở nên công khai, rõ ràng hơn và đang tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với các cam kết quốc tế tốt hơn. Nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều việc chúng ta phải tiếp tục cải thiện nhằm một mặt đáp ứng tốt các cam kết quốc tế, mặt khác tạo lập một môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng và hiệu quả để đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư, nhà thầu tốt. Cùng với đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật về đấu thầu, cạnh tranh… để phù hợp với CPTPP cũng như lắng nghe thị trường, phản hồi của nhà đầu tư, nhà thầu nhằm hoàn thiện, cải thiện quy trình thủ tục trong hoạt động đấu thầu.
Theo Chương MSCP của CPTPP, Việt Nam có thời gian để áp dụng các biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Đây là cơ hội quý để các nhà thầu cũng như cơ quan liên quan làm quen và chuẩn bị năng lực tốt nhất nhằm hội nhập sâu vào sân chơi đấu thầu trong CPTPP.