Trong năm 2021, kết quả cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đạt thấp hơn so với yêu cầu của Chính phủ. Ảnh: Lê Tiên |
Cải cách chậm lại, kết quả đạt thấp
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hoạt động cải cách quản lý, KTCN với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có những cải thiện rõ rệt. Nhiều vướng mắc, bất cập đã được giải quyết.
Đến cuối năm 2019, số lượng mặt hàng quản lý, KTCN cắt giảm được 12.600/82.698 mặt hàng (khoảng 15,2%). Tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải KTCN trước thông quan giảm... Tuy vậy, từ năm 2020 đến nay, công tác cải cách MTKD có dấu hiệu chững lại. “Trong năm 2021, hoạt động cải cách công tác quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của đa số các bộ, ngành chậm lại, chưa có nhiều thay đổi, chuyển biến so với trước. Có thể nói nỗ lực cải cách còn chậm, kết quả đạt được thấp so với yêu cầu của Chính phủ và không đồng đều giữa các lĩnh vực”, Bộ KH&ĐT cho biết.
Cụ thể, danh mục hàng hóa thuộc diện KTCN còn rộng. Các bộ, ngành mới chủ yếu thay đổi danh mục từ kiểm tra giai đoạn trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chưa cắt khỏi danh mục đúng theo yêu cầu của Chính phủ. Cách thức áp dụng phương pháp quản lý rủi ro chưa thống nhất giữa các văn bản, chưa khoa học và chưa theo thông lệ quốc tế, khó áp dụng, thậm chí dễ lợi dụng. Vẫn còn tình trạng chồng chéo trong KTCN; hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều, chi phí KTCN cao…
Đồng tình với đánh giá này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, năm 2021, công tác cải cách không mạnh như những năm trước đây. “Những năm trước có rà soát danh mục, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục quản lý, KTCN nhưng trong năm 2021 ít có sáng kiến mới, thay đổi đột phá”, ông Tuấn nói.
Khảo sát của VCCI cho thấy, còn rất nhiều việc cơ quan hải quan và các bộ, ngành khác cần tích cực triển khai trong thời gian tới để tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho DN. Cụ thể, DN mong muốn tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý, KTCN cũng như áp dụng triệt để việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục trực tuyến. Nhiều DN cho rằng, nên tiếp tục giảm số lượng hàng hóa phải KTCN và hạn chế tối đa việc kiểm tra trùng lặp. Các cơ quan quản lý, KTCN cần áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm chi phí tuân thủ pháp luật của DN.
Gỡ rào cản cho doanh nghiệp
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nhu cầu và dư địa cho cải cách hoạt động quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn còn rất lớn và cấp bách. “Nếu công tác cải cách hoạt động này không được duy trì thường xuyên, đặc biệt là tăng tốc trở lại thì các rào cản kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hồi phục và phát triển của DN”, bà Thảo cảnh báo.
Bởi vậy, để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau đại dịch, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về nội dung này trong năm 2022, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, KTCN theo hai giai đoạn.
Trong giai đoạn 1 (2022 - 2023) tập trung rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, KTCN, nhất là danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng và hàng hóa phải kiểm dịch động vật.
Giai đoạn 2 (2023 - 2025) tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, KTCN; cắt giảm mạnh mẽ danh mục sản phẩm công nghiệp phải kiểm tra chất lượng. Đối với các sản phẩm, hàng hóa được cắt giảm, quản lý theo nguyên tắc Nhà nước quy định tiêu chuẩn an toàn, người sản xuất, kinh doanh tự tuân thủ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các luật về quản lý, KTCN theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin…