Tăng trưởng tín dụng trông vào hồi phục kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giới phân tích cho rằng, các chính sách tài khóa và tiền tệ đang dần giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp hồi phục, thể hiện rõ nét qua các chỉ báo kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm nay. Cùng với đà khởi sắc của nền kinh tế, tín dụng cuối năm nay được kỳ vọng sẽ trở lại đà tăng tích cực, có thể đạt 12 - 13% cả năm.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2023 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước cho thấy tín hiệu hồi phục rõ nét hơn. Ảnh: Lê Tiên
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2023 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước cho thấy tín hiệu hồi phục rõ nét hơn. Ảnh: Lê Tiên

Tín dụng 7 tháng đầu năm tăng thấp

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, vốn tín dụng cho nền kinh tế 7 tháng đầu năm đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, cụ thể tăng 4,56% so với cuối năm 2022, trong khi mức tăng trưởng tín dụng của cùng kỳ năm 2022 đạt 9,54% so với cuối năm 2021.

Báo cáo tài chính bán niên 2023 của các ngân hàng thương mại (NHTM) ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối phân tán, trong đó các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao là HDBank (9,3%), MBBank (10,6%), MSB (12,7%), Techcombank (9,7%), và VPBank (10,1%).

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều biến số chưa chắc chắn, các ngân hàng có sự lựa chọn chiến lược kinh doanh khác nhau. Các ngân hàng có tập khách hàng doanh nghiệp lớn có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng chủ động tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu năm do nhu cầu tín dụng bán lẻ thấp, đồng thời ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng tài sản và quan sát thị trường. Xét trên khía cạnh này, các NHTM nhà nước đang lựa chọn cẩn trọng hơn khi tăng trưởng chỉ đạt 35% so với chỉ tiêu NHNN giao, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng. Nhóm các NHTM tư nhân chiếm khoảng 56% thị phần đã hoàn thành 50% hạn mức được giao. Bên cạnh đó, một số NHTM có tỷ lệ nợ xấu vượt trên 3% nên buộc phải cân nhắc các quyết định cho vay cũng như duy trì chất lượng tín dụng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nhìn từ góc độ vĩ mô và sức khỏe của nền kinh tế cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu. Tăng trưởng tín dụng thấp so với mục tiêu định hướng phản ánh năng lực cung ứng vốn của hệ thống ngân hàng đang tốt. “Bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, điều quan trọng hiện nay là kiểm soát chất lượng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống”, ông Thành khuyến nghị.

Theo ông Thành, điểm đáng lưu ý là chính sách tiền tệ đã nới lỏng khá mạnh với 4 lần giảm lãi suất từ đầu năm đến nay cùng các giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn. Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất trong thời gian tới không còn nhiều, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng cùng thông điệp mới đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) “sẵn sàng tăng lãi suất thêm nếu phù hợp và sẽ giữ ở mức cao đó cho tới khi cảm thấy tự tin là lạm phát đã xuống mức mục tiêu một cách chắc chắn”.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho rằng, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay ở mức thấp do một số nguyên nhân. Trước hết là nhiều doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, lại bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu, nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút.

Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính thiếu minh bạch...

Ở góc nhìn khách quan, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết, tỷ lệ lợi nhuận/tổng vốn đầu tư bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trong xu hướng giảm từ đầu năm 2021 và đến thời điểm ngày 30/6/2023 chỉ ở mức 7,7%. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân nên giảm thêm 2 - 2,5% nữa từ mức 9 - 9,5% hiện nay thì các doanh nghiệp mới có điều kiện tạo giá trị hay lợi nhuận cho cổ đông. “Nhưng lãi suất giảm không có nghĩa là cào bằng. Thị trường vẫn cần chấp nhận lãi suất cao 12 - 15% hoặc hơn với các doanh nghiệp/dự án cụ thể tuỳ theo chất lượng tín dụng/xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng cao thì lãi suất nên thấp hơn nữa, thậm chí nên tiệm cận lãi suất trái phiếu chính phủ (3% kỳ hạn 10 năm) như hiện nay”, ông Thuân khuyến nghị.

Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp tại thời điểm cuối quý II/2023 sẽ có nhiều dư địa đẩy mạnh tín dụng. Ảnh: Trần Việt

Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp tại thời điểm cuối quý II/2023 sẽ có nhiều dư địa đẩy mạnh tín dụng. Ảnh: Trần Việt

Kỳ vọng tăng tốc cuối năm

Nhiều ý kiến cho rằng tín dụng sẽ tăng tốc trong những tháng còn lại của năm 2023 với kỳ vọng xuất khẩu phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như cầu tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục mạnh mẽ. Đồng thời, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Chính sách tài khoá hỗ trợ tích cực sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Theo MBS, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp tại thời điểm cuối quý II/2023 sẽ có nhiều dư địa đẩy mạnh tín dụng, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 12% - 13% cho cả năm 2023.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, có những tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động trở lại và sức cầu của nền kinh tế có chuyển biến tích cực. Cụ thể, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/8, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 49,4% kế hoạch, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Thương mại, dịch vụ tháng qua diễn ra khá sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 0,9% so với tháng 7 và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 47%; doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Trong thời gian qua, các chính sách tài khóa - tiền tệ đã “căng sức” hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, vấn đề hiện nay là làm hết sức để phát huy hiệu quả các chính sách này trong thực tiễn. Chẳng hạn, đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân các gói vay ưu đãi hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thực hiện nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, đẩy nhanh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công để có nguồn lực thực tế cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục