Tạo cơ chế ưu đãi cho DN đổi mới sáng tạo tham gia đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chủ yếu là doanh nghiệp cấp nhỏ, siêu nhỏ, với những sản phẩm đầu ra mới xuất hiện trên thị trường. Vì vậy, nếu không có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ không đáp ứng được các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm tại các gói thầu và khó có thể tham gia vào thị trường mua sắm công.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và trong phạm vi quản lý của mình chủ động rà soát và chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cần quy định rõ nội dung ưu đãi, bảo đảm khả năng tham gia của các nhà thầu, doanh nghiệp trong nước có sản phẩm đổi mới, sáng tạo. Các sản phẩm này nằm trong Danh mục đổi mới, sáng tạo hoặc Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012. Tuy nhiên trên thực tế, các chủ đầu tư khi phê duyệt hồ sơ mời thầu không đưa nội dung ưu đãi cho đối tượng này và một trong những lý do là đang thiếu hành lang pháp lý để thực thi.

Bên cạnh đó, hiện Luật Đầu tư chưa quy định ưu đãi riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và các trung tâm đổi mới sáng tạo hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo ra những sản phẩm lần đầu tiên có mặt trên thị trường, trong đó có những sản phẩm có thể thay thế hàng nhập khẩu. Theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, các doanh nghiệp nàykhông đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, vì mới thành lập, chưa có doanh thu, chưa có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tương tự…

Trước thực tế này, một số địa phương, đơn vị như Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, tạo điều kiện cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo tham gia thực hiện các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước như: sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu theo hướng không yêu cầu năng lực, kinh nghiệm; không quy định nhà thầu tham dự thầu phải có hợp đồng tương tự đối với sản phẩm đổi mới sáng tạo... Bên cạnh đó, trong quá trình mua sắm tài sản công, ưu tiên đặt hàng hoặc mua sắm trực tiếp các sản phẩm của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích và phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo.

Mặt khác, nhiều chuyên gia đề xuất, trong việc xây dựng hồ sơ mời thầu, nên nghiên cứu quy định ưu tiên cho những hồ sơ dự thầu có sử dụng sản phẩm trong nước thay thế hàng nhập khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục