Tập trung nguồn lực hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được sự đồng ý chủ trương của Bộ Chính trị về việc tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của Dự án, Chính phủ đã thống nhất triển khai toàn bộ 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, cơ bản hoàn thành toàn bộ Dự án vào năm 2025.
Theo khái toán của Bộ Giao thông vận tải, sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 146.990 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
Theo khái toán của Bộ Giao thông vận tải, sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 146.990 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 thì tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau dài 2.063 km, đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ hiện đại hóa đất nước.

Theo khái toán của Bộ GTVT, sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 146.990 tỷ đồng, gồm: 95.837 tỷ đồng chi phí xây dựng và thiết bị; 19.097 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư; 12.015 tỷ đồng chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác và 20.041 tỷ đồng chi phí dự phòng.

Tại Kết luận số 18-KL/TW ngày 8/10/2021, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đầu tư Dự án và kết luận đây là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành.

Theo tờ trình mới đây của Chính phủ gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, để giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt nhằm khắc phục ảnh hưởng của đại dịch cũng như tạo đà phục hồi và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Chính phủ xác định việc đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, trong ngắn hạn là kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa; trong dài hạn là phát triển hạ tầng chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên cao nhất cho hệ thống đường bộ cao tốc.

Để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần (từ Bãi Vọt - Hàm Nghi đến Hậu Giang - Cà Mau với tổng chiều dài dự kiến 729 km).

Sau khi hoàn thành, các dự án thành phần này sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Theo tính toán sơ bộ, nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần nói trên trong 5 năm đầu, có thể thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn nhà nước, trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng. Trường hợp thu phí 8/12 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu) thì trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng, trong 10 năm thu hồi khoảng 30.000 tỷ đồng.

Về nguồn vốn đầu tư, Chính phủ cho biết, trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 139.640 tỷ đồng (95% tổng mức đầu tư). Phần còn lại khoảng 7.350 tỷ đồng (giữ lại chi phí bảo hành công trình, khoảng 5% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỷ đồng. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, cần bổ sung khoảng 92.471 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng Dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp chuyên đề Quốc hội khóa XV vào tháng 12/2021).

Tin cùng chuyên mục