Thận trọng nới lỏng tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ý kiến đề xuất tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng. Trong khi đó, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Kinh nghiệm và thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, nếu hôm nay dễ dãi và điều hành không hợp lý thì ngày mai có thể phải trả giá đắt”.
Ngân hàng Nhà nước đang xem xét đưa ra gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nhà nước đang xem xét đưa ra gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu từ NHNN cho biết, đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.

Về tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). Một số ngân hàng thương mại đã được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong đó, Techcombank được nới room từ mức 12% lên 17,4%; TPBank được nới từ mức 11,5% lên 17,1%. MSB có mức nới room từ 10,5% đầu năm lên 16%; MB từ 8,5% lên 15%; VIB từ 8,5% lên 14,1%; LienVietPostBank và ACB từ 8,5% và 9,5% cùng lên 13,1%...

Trong Công văn vừa được NHNN gửi các TCTD về việc triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, liên quan đến giải pháp hỗ trợ ngành hàng không, NHNN nêu rõ: “Trường hợp TCTD có nhu cầu điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để cấp tín dụng đối với các hãng hàng không, trên cơ sở đánh giá năng lực cung ứng vốn, đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn và kế hoạch kinh doanh của mình, TCTD gửi công văn đề nghị để NHNN xem xét, quyết định”.

“Nếu xét thấy hợp lý, việc tạo điều kiện mở rộng tín dụng là cần thiết, song phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu từ nay đến cuối năm và sang năm. Nhu cầu được kéo dài thời hạn cơ cấu nợ, giảm điều kiện tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp là chính đáng, song ngân hàng thương mại và doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế cộng sinh, ngân hàng phải vững thì mới hỗ trợ được doanh nghiệp”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.

Ngoài ra, NHNN cũng đang xem xét về việc đưa ra gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng (lãi suất 3 - 4%/năm) để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Một số ý kiến đề xuất chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng để tăng nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng hồi phục. Theo Ngân hàng Thế giới, trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách tiền tệ và cho phép doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Tại cuộc gặp mặt Thủ tướng Chính phủ nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam mới đây, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà kiến nghị nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp được thụ hưởng sự hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách và gói tín dụng ưu đãi. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, yêu cầu chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid-19 và được ngân hàng đánh giá là “có khả năng trả nợ sau thời gian giãn nợ” làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng. “NHNN nên xem xét giãn nợ đồng loạt từ 6 tới 9 tháng và không để xuống nhóm nợ với tất cả doanh nghiệp, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như y tế, thực phẩm, sắt thép”, ông Hồng Anh nói.

Trước các ý kiến về nới lỏng chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN kiên định quan điểm điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Đây là chiến lược cho cả giai đoạn trước mắt và trung hạn để tạo nền tảng ổn định dài hạn, theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành ngân hàng và cả nền kinh tế.

“Nếu xét thấy hợp lý, việc tạo điều kiện mở rộng tín dụng là cần thiết, song phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu từ nay đến cuối năm và sang năm. Nhu cầu được kéo dài thời hạn cơ cấu nợ, giảm điều kiện tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp là chính đáng, song ngân hàng thương mại và doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế cộng sinh, ngân hàng phải vững thì mới hỗ trợ được doanh nghiệp”, ông Tú nói.

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, bên cạnh giải pháp tiền tệ như đã và đang thực hiện, cần tính đến các giải pháp khác. Theo đó, NHNN cần tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng để các TCTD có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Về việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần phải nhanh chóng vực dậy và phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng. Các quỹ này cần sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như một số quốc gia vẫn làm.

Tin cùng chuyên mục