“Thành tích” của HAGL: Đảo nợ!

(BĐT) - Những ngày cuối năm 2016, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bất ngờ công bố thông tin về việc phát hành thêm 930 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức tín dụng với kỳ hạn 7 năm.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Với một doanh nghiệp nặng nợ như HAGL, việc tiếp tục vay nợ khiến nhà đầu tư chú ý hơn bao giờ hết. Đặc biệt khi quyết định nói trên được thực hiện dựa trên một nghị quyết HĐQT cách đó gần 1 tuần. Cả nghị quyết HĐQT và tổ chức mua trái phiếu đều không được phía HAGL công bố.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2016 của HAGL vừa công bố liệu có hé lộ phần nào các thông tin về giao dịch trái phiếu nói trên? 

Giảm áp lực nợ vay ngắn hạn

Sau những nỗ lực tái cơ cấu các khoản nợ vay, tính đến cuối năm 2016, HAGL vay nợ tổng cộng 27.366 tỷ đồng (tính cả trái phiếu), tăng 267 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Tuy gia tăng nợ nần, áp lực nợ đến hạn của HAGL đã giảm đáng kể. Cụ thể, nợ vay ngắn hạn của HAGL đã giảm 20,8%, tương đương 1.726 tỷ đồng so với đầu năm, còn 6.572 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ vay dài hạn lại tăng 1.993 tỷ đồng, dẫn đến tổng nợ vay tăng trưởng như đã nói ở trên.

Nếu quan sát trong 3 tháng cuối năm 2016, việc “giải thoát” của HAGL mới thực sự kỳ diệu. Cụ thể, trước đó 3 tháng, vào cuối tháng 9/2016, dư nợ vay ngắn hạn của HAGL đạt 12.270 tỷ đồng. Thế nhưng, Công ty đã nhanh chóng tái cơ cấu các khoản nợ vay ngắn hạn, giảm tới gần 5.700 tỷ đồng xuống còn 6.572 tỷ đồng.

Theo tính toán của Báo Đấu thầu, trong quý IV/2016, HAGL vay nợ dài hạn thêm 7.216 tỷ đồng, đồng thời trả nợ ngắn hạn gần 5.700 tỷ đồng. Kết quả tổng nợ vay vẫn tăng 1.517 tỷ đồng. Như vậy, song song với việc đảo nợ, HAGL đồng thời phải vay thêm tiền từ các tổ chức tín dụng.

Về khoản nợ 930 tỷ đồng, thông tin báo cáo tài chính của HAGL chỉ tiết lộ tổ chức tư vấn phát hành là Công ty CP Chứng khoán Phú Gia, một công ty chứng khoán ít tên tuổi trên thị trường. Giao dịch được hoàn tất vào 29/12/2016, kịp để HAGL ghi nhận “thành tích” vào báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2016. 930 tỷ đồng nói trên góp phần giúp HAGL tái cơ cấu nợ vay, giảm áp lực nợ ngắn hạn.

Xét riêng BIDV, chủ nợ lớn nhất của HAGL, việc đảo nợ của Công ty có thể nhìn thấy tương đối rõ nét. Trong quý IV/2016, BIDV đã rót thêm 1.230 tỷ đồng vay dài hạn cho HAGL, đồng thời, nhận trả nợ vay tới hạn của Công ty này 1.197 tỷ đồng. Chưa tính các khoản nợ trái phiếu, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của HAGL tại BIDV tăng ròng 33 tỷ đồng, đạt 4.316 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2016.

Đảo nợ không chỉ giúp HAGL giảm áp lực nợ ngắn hạn, còn giúp BIDV và các tổ chức tín dụng tránh phải ghi nhận các khoản mục nợ xấu. 

Triển vọng giá cao su

Theo tính toán của Báo Đấu thầu, trong quý IV/2016, HAGL vay nợ dài hạn thêm 7.216 tỷ đồng, đồng thời trả nợ ngắn hạn gần 5.700 tỷ đồng. Kết quả tổng nợ vay vẫn tăng 1.517 tỷ đồng. Như vậy, song song với việc đảo nợ, HAGL đồng thời phải vay thêm tiền từ các tổ chức tín dụng.
Thị trường cao su tự nhiên bắt đầu có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc trong vài tháng trở lại đây, mở ra một tương lai khả quan hơn cho HAGL cũng như các doanh nghiệp cao su trong nước. Tuy nhiên, trong năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của HAGL từ “vàng trắng” vẫn hết sức khiêm tốn. Vì vậy, triển vọng cao su với HAGL, nếu có, phải bắt đầu từ năm 2017 trở đi.

Doanh thu năm 2016 của HAGL đạt mức kỷ lục, lên tới 6.454 tỷ đồng. Đóng góp đáng kể vào thành tích đó là doanh thu từ việc bán bò, đạt 3.537 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2015. Cao su chỉ đạt 114 tỷ đồng doanh thu, giảm 41,8% so với kết quả đạt được năm 2015.

Lãi gộp 1.000 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng chi phí lãi vay đã ngốn tới 1.557 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Công ty thua lỗ trong năm. Điều đặc biệt, một mặt HAGL đang phải chịu áp lực nợ vay nặng nề, Công ty đồng thời hạch toán 880 tỷ đồng lãi cho vay các bên liên quan. Số dư cho vay ngắn và dài hạn tại thời điểm cuối năm 2016 của HAGL đạt 7.943 tỷ đồng, giảm 1.818 tỷ đồng so với số dư đầu năm.

Năm 2016, mặc dù đặt kế hoạch không thua lỗ, khoản lỗ cả năm của HAGL đạt kỷ lục, lên tới 1.395 tỷ đồng trước thuế và 1.414 tỷ đồng sau thuế. Tính bình quân mỗi cổ phần của Công ty đang phải gánh một khoản lỗ 1.291 đồng.

Việc thua lỗ của HAGL không nằm ngoài dự đoán, khi Công ty đang phải chịu những khoản nợ vay khổng lồ trong lúc tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Triển vọng giá cao su chưa rõ sẽ tác động như thế nào đến kết quả kinh doanh năm nay của HAGL. Tuy nhiên, với việc xoay xở đảo vốn như chúng tôi đã phân tích, HAGL vẫn còn có cơ hội.

Tin cùng chuyên mục