Tháo gỡ đồng bộ vướng mắc để thu hút đầu tư PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thúc đẩy dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đem lại nhiều lợi ích, có vai trò rất quan trọng trong cải thiện chất lượng hạ tầng, dịch vụ công, phát triển kinh tế - xã hội. Dù vậy, theo nhiều ý kiến, vẫn còn một số vướng mắc nếu được tháo gỡ đồng bộ sẽ góp phần cởi bỏ nút thắt về tâm lý, dòng vốn, tạo thuận lợi hơn trong thu hút dòng vốn tư nhân đầu tư theo phương thức PPP.
Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu dự án PPP được khu vực tư nhân đặt nhiều kỳ vọng nhưng vẫn còn vướng mắc trong thực tiễn triển khai. Ảnh: Lê Tiên
Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu dự án PPP được khu vực tư nhân đặt nhiều kỳ vọng nhưng vẫn còn vướng mắc trong thực tiễn triển khai. Ảnh: Lê Tiên

Lào Cai là một trong những địa phương có dự án PPP đang được triển khai thực hiện, gồm Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa; Dự án Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa; Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sạch thị trấn Sa Pa huyện Sa Pa. Theo UBND tỉnh Lào Cai, với một địa phương có nhu cầu đầu tư cho phát triển rất lớn, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp, việc thực hiện đầu tư theo phương thức PPP có ý nghĩa rất quan trọng bù đắp nguồn lực thiếu hụt. Bên cạnh đó, khi triển khai dự án PPP, sẽ tận dụng được những kỹ năng, công nghệ hiện đại và tính hiệu quả của khu vực tư nhân, buộc khu vực công ngay từ đầu phải chú trọng đầu ra và lợi ích, thay vì các yếu tố đầu vào. Những nhà cung cấp tư nhân cũng có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp dịch vụ trong môi trường khuyến khích phù hợp.

Tuy nhiên, khi triển khai dự án, tỉnh Lào Cai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ví dụ khó khăn trong thu hút nhà đầu tư dự án cảng hàng không mới do cần lượng vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài (gần 50 năm). Cùng với đó, việc tư nhân tham gia đầu tư sân bay tại Việt Nam chưa phổ biến, Cảng hàng không Sa Pa mới là sân bay thứ 2 được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương thực hiện theo phương thức PPP.

Về cơ chế chính sách, theo UBND tỉnh Lào Cai, vướng mắc chủ yếu liên quan đến quy định về cơ chế phần tăng, giảm doanh thu. Hiện nay có một số dự án đầu tư theo phương thức PPP Thủ tướng là cấp quyết định chủ trương đầu tư, giao cho UBND các tỉnh là cơ quan có thẩm quyền và chỉ có vốn góp bằng ngân sách địa phương. Khi đó việc quy định “Chi phí xử lý cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu được sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư” là chưa phù hợp...

Nhiều lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư PPP như y tế, năng lượng, xử lý rác thải, nước thải… chưa có hướng dẫn của ngành, dẫn đến lúng túng khi triển khai. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư PPP như y tế, năng lượng, xử lý rác thải, nước thải… chưa có hướng dẫn của ngành, dẫn đến lúng túng khi triển khai. Ảnh: Lê Tiên

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) đã lên tiếng về vướng mắc liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước. Theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, không được dùng ngân sách của cấp này chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Hiện nay, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, một số tỉnh, thành phố mong muốn triển khai dự án kết nối liên vùng đi qua nhiều địa phương, trong đó Chính phủ giao một địa phương là cơ quan có thẩm quyền, việc dùng ngân sách của địa phương này đóng góp cho địa phương khác sẽ không thực hiện được.

VARSI cũng nêu ra một số vấn đề khác ảnh hưởng đến thực hiện dự án PPP như vướng mắc của dự án BOT cũ chưa được xử lý triệt để, gây mất niềm tin của nhà đầu tư, ách tắc dòng vốn vào dự án mới; quy định về huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn khác thực hiện dự án; phân bổ lãi vay theo doanh thu; chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ giữa các nhà đầu tư trong thời gian triển khai dự án đối với trường hợp một hoặc một số nhà đầu tư không bảo đảm năng lực... Một số loại hợp đồng tiềm năng có thể phát triển như BTL, BLT, O&M vướng quy định về ngân sách, tài sản công…

Ở góc độ nhà đầu tư quốc tế, ông Nagaoka, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023, cơ chế chính sách hiện nay chưa bảo đảm chắc chắn những hỗ trợ cần thiết cho nhà đầu tư, làm giảm khả năng tiếp cận vốn nước ngoài.

Một số ý kiến khác cho biết, các lĩnh vực như y tế, năng lượng, xử lý rác thải, nước thải… chưa có hướng dẫn của ngành, dẫn đến lúng túng khi triển khai.

Đối với cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu - cơ chế được khu vực tư nhân kỳ vọng nhất, thì theo nhà đầu tư, vẫn còn những khó khăn nhất định liên quan đến tính sẵn sàng, chủ động của nguồn vốn chi trả cho nghĩa vụ của Nhà nước khi thực hiện.

Từ thực tiễn triển khai, cuối năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có báo cáo tình hình thực hiện dự án PPP, tổng hợp nhiều vướng mắc, khó khăn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu nhiều bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư theo phương thức PPP. Trong đó, giao Bộ KH&ĐT chủ trì nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp thu hút các quỹ tài chính quốc tế, nguồn vốn quốc tế; nghiên cứu nguồn vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP trong trường hợp áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu, chấm dứt hợp đồng trước hạn. Bộ Tài chính chủ trì sửa đổi Nghị định 28/2021/NĐ-CP, Nghị định 29/2018/NĐ-CP… Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT đang có nguy cơ không thực hiện được phương án tài chính, dẫn đến phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Các bộ, ngành liên quan hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện dự án PPP trong ngành, lĩnh vực quản lý...

Tin cùng chuyên mục