Từng điều hành Cục Quản lý đấu thầu – đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), ông Lê Văn Tăng đúc kết và “hiến kế” để tiếp tục đẩy mạnh thu hút tư nhân đầu tư tại Việt Nam.
Mở đầu câu chuyện về quá trình hình thành xã hội hóa đầu tư và thu hút tư nhân đầu tư vào Việt Nam, ông Lê Văn Tăng cho biết: Các hình thức thu hút đầu tư tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng đã xuất hiện ở nước ta, được hoàn thiện dần qua việc hoàn thiện khung pháp lý. Lúc đầu mới chỉ có khái niệm BOT đối với đầu tư nước ngoài (Nghị định số 87/1993/NĐ-CP - NĐ 87/1993), sau một thời gian thì có khái niệm BOT đối với đầu tư trong nước (NĐ 77/1997), tiếp đó xuất hiện các hình thức BOT, BTO, BT đối với đầu tư nước ngoài (NĐ 62/1998). Và hình thức BOT, BTO, BT đối với đầu tư cả trong nước và nước ngoài xuất hiện tại NĐ 78/2007; sau đó, đến NĐ 108/2009 về đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, BT và Quyết định số 71/2010 về việc banh hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP (QĐ71).
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc từng đánh giá rằng, ở Việt Nam, hình thức đầu tư PPP với các dạng thức hợp đồng như BOT, BTO,… đã sớm được áp dụng triển khai ở nhiều dự án hạ tầng, nhưng phải đến QĐ71 thì hình thức này mới được nhìn nhận và xem xét một cách cơ bản, và kể từ đó thực tiễn triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP đã đạt được một số kết quả nhất định, song cũng còn không ít trở ngại, khó khăn cả về nhận thức, khuôn khổ thể chế và thực tiễn quá trình triển khai.
Nhìn lại quá trình xã hội hóa thu hút đầu tư tư nhân ở nước ta, có thể thấy rằng chúng ta cũng đã thu hút được một lượng vốn nhất định để phát triển, nhưng cách hiểu chưa rõ, nhận thức chưa rõ nên quá trình thực hiện có những chỗ bị méo mó, không đạt được kết quả như kỳ vọng, thậm chí có một số nơi lợi dụng các hình thức xã hội hóa đầu tư này để thu lợi bất chính – ông Lê Văn Tăng trăn trở.
Và Luật Đấu thầu 2013 đã đưa vào một chương về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Trên cơ sở quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, NĐ 15/2015 về đầu tư theo hình thức PPP và NĐ 30/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã ra đời, là một cặp “song sinh” để đáp ứng yêu cầu mới, tiệm cận với thực tế hơn, mở đường cho việc đẩy mạnh thực hiện PPP, ông Tăng nhớ lại. Và để có được khung pháp lý mới này, ông Lê Văn Tăng cho rằng, ngoài nỗ lực của Bộ KH&ĐT, còn có sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng nhà tài trợ, Văn phòng Tony Blair, Công ty tư vấn Hogan Levells, các bộ, ngành có liên quan…
Khung pháp lý mới đã ra đời nhưng để đẩy mạnh thu hút đầu tư PPP còn rất nhiều việc phải làm. Ông Lê Văn Tăng nhắc lại lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rằng: “Muốn làm được cái này, trước hết chúng ta phải thay đổi nhận thức”. Lý do cần thay đổi nhận thức, theo ông Tăng, là khung pháp lý được xây dựng bởi các chuyên gia, nhưng được thực hiện bởi các bộ, ngành, địa phương nên phải thay đổi nhận thức thì mới mong triển khai thực hiện tốt chính sách về PPP. Trước đây Nhà nước bỏ tiền ra làm nhưng nay Nhà nước kêu gọi tư nhân bỏ tiền ra làm thì chúng ta phải thay đổi tư duy và nhận thức.
Thay đổi nhận thức lớn nhất là không chờ đợi vốn ngân sách. Phải thay đổi thói quen trông chờ vốn ngân sách từ hơn 60 năm nay. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, áp lực nợ công cao và bị khống chế, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển lại rất lớn thì việc các địa phương trông chờ vào ngân sách trung ương có thể coi là một sự ỷ lại. Tinh thần này cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành cả nước (tháng 6/2015). Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở các địa phương phải quán triệt tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, và Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhân đây, tôi cũng nói với các đồng chí luôn, không thể trông chờ vào ngân sách trung ương được các đồng chí ạ”. Và ông Tăng nhấn mạnh phải thay đổi tư duy từ các địa phương, các ban quản lý dự án; phải thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương.
Thứ hai là thay đổi về trách nhiệm của Nhà nước và quyền hạn công chức. “Cải cách mà không có phản đối là cải cách tồi”, Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng nói như vậy - ông Tăng tâm đắc. Dẫn chiếu điều này, ông Tăng nêu: Với quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Luật Đấu thầu 2013, khi nhà đầu tư thắng thầu để được đầu tư dự án PPP thì việc lựa chọn các nhà thầu để thực hiện dự án PPP đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư chứ không phải của Nhà nước. Quy định này khẳng định, phía Nhà nước đã chuyển từ tâm thế “người cho” thành “người lo”. “Khi tôi trình bày về điều này, một số công chức nhà nước đã hỏi đi hỏi lại, tôi giải thích rất nhiều lần họ vẫn cố tình hỏi lại. Họ đang bày tỏ thái độ “không muốn hiểu” điều này, bởi vì, hiểu đồng nghĩa với chấp nhận “mất” quyền. Cơ quan công quyền phải trở thành người đi lo chứ không phải người đi cho” - ông Tăng chia sẻ.
Và ông Tăng nhắc lại lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, khẳng định: “Nhà nước phải thay đổi chức năng, từ Nhà nước chỉ huy, sở hữu sang Nhà nước kiến tạo phát triển để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nếu chúng ta không làm được điều này, thì đất nước sẽ còn tụt hậu xa hơn”.
Thứ ba, ông Tăng cho rằng, làm PPP rất khó. Sử dụng tiền của tư nhân, thủ tục phải rõ ràng, mạch lạc, mọi thứ phải hiệu quả. Dự án phải thật cần thiết và phải thật sự hiệu quả. Trước đây làm dự án có nhiều khi không “thật sự hiệu quả”, nhưng nay phải làm hiệu quả sẽ vất vả hơn, yêu cầu quản lý cũng phải chặt hơn.
Ngoài ra, để đẩy mạnh triển khai áp dụng PPP, phải nâng cao năng lực thực thi của các cấp, các ngành, các cá nhân tham gia dự án PPP; đồng thời, khung pháp lý đã có nhưng chưa hoàn hảo, do đó trong thời gian tới (khoảng 5 năm) phải đưa lên thành Luật và các chính sách liên quan cũng phải sửa, chẳng hạn như quy định pháp luật về dân sự và một số văn bản pháp luật khác… nhằm tạo ra môi trường đầu tư minh bạch. Nhìn chung, phải vượt qua khá nhiều khó khăn, cam go để đẩy mạnh thu hút tư nhân đầu tư vào Việt Nam như mong đợi, nhưng khó khăn lớn nhất cần phải vượt qua, theo ông Tăng, là thay đổi tư duy về quyền lực nhà nước, thay đổi để tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch.