Việc mở rộng nguồn thu, quản lý chi phí hiệu quả… được các ngân hàng thương mại ưu tiên lựa chọn thay vì tăng lãi suất cho vay. Ảnh: Lê Tiên |
Chưa có dấu hiệu đáng ngại
Khảo sát tại các ngân hàng thương mại cho thấy, mức lãi suất huy động đã tăng gần 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay là 8,5% - 8,7%/năm cho các kỳ hạn dài trên 12 tháng.
Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam của SSI Retail Research nêu quan điểm: “Các ngân hàng thương mại cần đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ…) và nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%. Việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại có thể duy trì được mặt bằng lãi suất huy động hiện tại mà không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận”.
Bình luận về diễn biến lãi suất từ đầu năm đến nay, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nói: “Với diễn biến trên thị trường hàng hóa, tiền tệ trong thời gian qua cùng những dự báo về kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước thời gian tới, khả năng giảm lãi suất là khó. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất thời gian vừa qua chưa có dấu hiệu đáng ngại. Mặt khác, lãi suất huy động VND ở mức tương đối cao cũng có điểm lợi là tạo chênh lệnh lớn so với lãi suất huy động bằng ngoại tệ, qua đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ và tỷ giá. Điều này là có lợi trong bối cảnh cán cân thương mại đang có xu hướng thâm hụt và nền kinh tế chúng ta cần ưu tiên ổn định”.
Cần tiếp tục giữ ổn định
Dù mặt bằng lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại biến động không đáng kể. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết: “Tôi chưa nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay từ các ngân hàng. Doanh nghiệp thuộc Hiệp hội chủ yếu vay với hợp đồng kỳ hạn từ 3 - 5 năm, hồ sơ vay vốn được thẩm định chủ yếu dựa trên đánh giá hiệu quả của phương án kinh doanh. Mức lãi suất vay hiện nay khoảng 9,5 - 11%/năm”.
Trong khi đó, nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Hà Nội cho biết, so với một vài tháng trước, lãi suất cho vay mua bất động sản, mua ô tô đã có dấu hiệu nhích lên, nhưng chỉ tăng nhẹ 0,1% - 0,2% và hầu như chỉ tăng với những hợp đồng vay món tiền không lớn.
Về diễn biến này, Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam của SSI Retail Research cho biết: “Đối với lãi suất cho vay, mặc dù lãi suất huy động bắt đầu tăng và thiết lập mặt bằng mới gần 6 tháng nay, nhưng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh vẫn tương đối ổn định, chưa kể còn có một số gói vay ưu đãi với một số ngành nghề nhất định ở các ngân hàng lớn”.
Cũng theo báo cáo này, kế hoạch lợi nhuận năm 2019 của 17 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 18% so với năm 2018, thấp hơn nhiều mức tăng 31% của năm 2018. Trong khi đó, số ngân hàng đã đạt hoặc đặt mục tiêu chuẩn Basel II tăng lên cho thấy các ngân hàng thương mại đã chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững thay vì chạy theo tăng trưởng ngắn hạn. Việc mở rộng nguồn thu, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả… được ưu tiên lựa chọn thay vì tăng lãi suất cho vay.
Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tháng 4 năm nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: “Các ngân hàng thương mại phải nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm hoặc ổn định chứ không có chuyện tăng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm. Đây là chủ trương nhất quán của NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế”.
Bình luận về quan điểm điều hành này, TS. Đặng Đức Anh cho rằng: “Việc yêu cầu các ngân hàng thương mại giữ ổn định lãi suất cho vay là định hướng điều hành hợp lý. Bên cạnh đó, NHNN nên tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá, có các bước điều chỉnh hợp lý để ổn định thị trường, qua đó ổn định mặt bằng lãi suất. Thời gian qua, các động thái điều hành chính sách hợp lý là linh hoạt về tỷ giá, duy trì hạn mức tín dụng với các ngân hàng, giảm tỷ trọng cho vay với tín dụng rủi ro, giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Điều này nên được tiếp tục duy trì”.